Liên Hợp Quốc lên án Triều Tiên, Nga-Trung chĩa mũi nhọn về Mỹ-Hàn

Đại sứ của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tham gia phiên họp về Triều Tiên ngày 29/8. Ảnh: Reuters
Đại sứ của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tham gia phiên họp về Triều Tiên ngày 29/8. Ảnh: Reuters
TPO - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua Nhật Bản hôm 29/8 là hành động “quá khích”, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân. Cũng tại cuộc họp, Nga và Trung Quốc chĩa mũi nhọn về các động thái quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.

Sau khi nhận được yêu cầu từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) tổ chức cuộc họp khẩn cấp liên quan đến vụ thử tên lửa đạn đạo vượt qua lãnh thổ Nhật Bản của Triều Tiên sáng sớm 29/8.

“Hội đồng Bảo an tiếp tục lên án CHDCND Triều Tiên (DPRK) vì hành động quá khích và yêu cầu DPRK ngay lập tức chấm dứt tất cả những hành động đó. Hội đồng Bảo an nhấn mạnh rằng, những hành động của DPRK không chỉ là mối đe dọa đối với khu vực mà còn cho tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc”, Reuters trích dẫn tuyên bố của UNSC.

Hội đồng cũng bày tỏ “cam kết đối với một giải pháp hòa bình, ngoại giao và chính trị” đối với vấn đề Bình Nhưỡng.

Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, thể hiện quan điểm ủng hộ UNSC: “Thế giới thống nhất chống lại Triều Tiên, điều này không có gì phải nghi ngờ. Đã đến lúc, Triều Tiên phải nhận ra nguy cơ mà họ chuốc lấy. Mỹ sẽ không cho phép họ tiếp tục các hành vi bất hợp pháp”.

Trong khi tuyên bố của Mỹ không đề cập đến các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, Đại sứ Nhật bản tại LHQ Koro Bessho hy vọng UNSC sẽ có một giải pháp “cứng rắn” hơn theo sau tuyên bố trên.

Các nhà ngoại giao không quên chỉ trích Trung Quốc và Nga khi chỉ xem các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là động thái đáp trả các lệnh trừng phạt của LHQ.

Được biết, Bình Nhưỡng bị áp các biện pháp trừng phạt về chương trình tên lửa và hạt nhân từ năm 2006. Hồi đầu tháng, UNSC tiếp tục ra nghị quyết trừng phạt mới đối với quốc gia Đông Bắc Á này về thương mại và xuất nhập khẩu, sau hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tháng 7.

Liên Hợp Quốc lên án Triều Tiên, Nga-Trung chĩa mũi nhọn về Mỹ-Hàn ảnh 1 Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Liu Jieyi. Ảnh: AP

Tại cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc Liu Jieyi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích có thể làm trầm trọng thêm tình hình khu vực.

“Trung Quốc phản đối bất kỳ sự xung đột hoặc chiến tranh nào trên Bán đảo Triều Tiên. Tăng cường triển khai quân sự trên bán đảo sẽ không đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoặc ổn định khu vực”, ông Liu phát biểu.

Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cũng khẳng định, không thể sử dụng các giải pháp quân sự cho các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.

Không dừng lại ở đó, đại diện từ Nga và Trung quốc kêu gọi ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

“… Việc triển khai hệ thống THAAD ở Đông Bắc Á đã đe dọa đến sự cân bằng chiến lược trong khu vực, phá hoại các lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc. Nó sẽ leo thang thêm căng thẳng trên bán đảo, làm cho tình hình trở nên phức tạp và khó giải quyết. Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan ngừng triển khai và tháo dỡ các thiết bị liên quan ngay lập tức”, ông Liu nhắc lại quan điểm phản đối THAAD tại Hàn Quốc của chính quyền Bắc Kinh.

Ông Nebenzia nói thêm, các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc nên thu nhỏ quy mô lại.

Họ cũng phản đối các quốc gia thành viên khác áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với cá nhân và công ty liên quan đến Bình Nhưỡng.

Tuần trước, Mỹ đã liệt kê 16 công ty, cá nhân Trung Quốc, Nga và Singapore được cho là giao dịch với các thực thể bị liệt vào danh sách đến của Triều Tiên.

Theo Theo Reuters, Sputnik
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.