“Lịch sử Việt Nam” về nước

GS Lê Thành Khôi tại Pháp. Nguồn Nhã Nam
GS Lê Thành Khôi tại Pháp. Nguồn Nhã Nam
TP - Cuốn sách tiếng Pháp Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của GS Lê Thành Khôi lần đầu dịch ra tiếng Việt, xuất bản tại Việt Nam sau khi chu du trời Tây. 

Hai trong một

Sách được dịch tổng hợp từ hai chuyên khảo lớn của GS Lê Thành Khôi. Đó là cuốn Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, Nxb Minuit, Paris, 1955) và Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, Nxb Sud-Est Asie, Paris, 1982). 

Trong lời nói đầu, GS Phan Huy Lê khẳng định: “Gần như cả nửa sau thế kỷ XX, giới Việt Nam học thế giới coi đây là hai công trình mang tính kinh điển về văn hóa và lịch sử Việt Nam được sử dụng phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam”. 

Học giả người Pháp Georges Condominas – nhà Việt Nam học, thừa nhận vẫn “gối đầu giường” tác phẩm Lê Thành Khôi. Trọn đời ông đi không thoát khỏi chúng – theo GS Lê. 

Thời gian gần đây, dân mình bỗng nhiên quan tâm lịch sử. Những thông tin như thế về một cuốn sử khiến nhiều người dự buổi ra mắt 25/8. Có người già, cũng lắm người trẻ. Hỏi một học sinh mặc đồng phục biết là dân chuyên sử Ams, tìm sách phục vụ học tập. Có người mua tới 3 cuốn hộ bạn bè. “Sử ta” dày cộp để trong nhà không phải mục đích trang trí thì thật đáng quý.   

GS Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc, dịch giả Nguyễn Nghị làm diễn giả. GS Lê nhấn mạnh: “Hai tác phẩm giữ vai trò rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài”. 

Tuy mang tiêu đề khác nhau nhưng nội dung và cách trình bày về cơ bản là thống nhất, cuốn sau bổ sung cuốn trước. Do đó chúng được kết hợp thành một bộ Lịch sử Việt Nam trọn vẹn từ nguồn gốc đến Cách mạng tháng Tám 1945, thành lập nước Việt Nam độc lập. Và được tác giả chấp thuận.

Sử Việt bằng Pháp ngữ

Được đào tạo bài bản và đa ngành, GS Khôi khai thác cả tư liệu của bi ký học, tiền tệ, xã hội học, ngôn ngữ… đồng thời gắn sự phát triển của Việt Nam với thế giới - nhất là Trung Quốc, Đông Nam Á và châu Âu. Ông phân tích rõ Việt Nam không hề lệ thuộc mà chỉ ngưỡng mộ nền văn hóa Trung Hoa bên cạnh thái độ ngoại giao cần thiết.   '

“Lịch sử Việt Nam” về nước ảnh 1

Bộ sách quý

Chưa hài lòng với lần xuất bản năm 1955 chủ yếu dùng tư liệu của phương Tây, GS về Việt Nam sau khi đất nước giành độc lập. Ông bỏ nhiều thời gian đi thực tế, ghi chép và cập nhật các thành tựu nghiên cứu trong nước, tạo ra bản chuyên khảo thứ hai. Ông viết bằng thứ tiếng Pháp uyển chuyển tinh tế như một người Pháp – cũng theo GS Lê. 

Dịch giả Nguyễn Nghị bộc bạch: “Nghe giới thiệu sự nghiệp nghiên cứu đồ sộ của Lê Thành Khôi, tôi thấy mình to gan khi nhận lời dịch. Trong quá trình dịch, tôi thường ngán ngẩm và mệt mỏi vì tính đa ngành của cuốn sách. Đủ cả văn hóa nghệ thuật, khảo cổ học, nhân học, lịch sử, tôn giáo”.

Sách cũng xới những vấn đề có thể gây tranh cãi. Như nhận định “việc Đại Việt sử ký toàn thư đặt triều đại vua Hùng thứ nhất vào thời điểm 2879 trước Công nguyên (hơn 4000 năm trước) là không thể chấp nhận được”. Hay “Tây Sơn dọn đường cho thống nhất nhưng Gia Long mới là vị vua trị vì trên một đất nước Việt Nam không chia cắt”. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận mình là lớp người đi sau, được hưởng thụ giá trị từ sách Lê Thành Khôi. Dù không dùng tiếng Pháp song có tham khảo qua lại với nhiều người. Ông rất mừng vì nay được tiếp cận bản thảo bằng tiếng Việt. Theo ông trước nay chưa cuốn nào có khả năng bao quát lịch sử Việt Nam như vậy.

Lê Thành Khôi sinh 3/5/1923 tại Hà Nội. Sang Pháp từ 1947, ông theo học nhiều ngành, đạt ba học vị Tiến sĩ. Giảng dạy tại một số trường đại học và tư vấn cho UNESCO, chương trình UNDP. Năm 1971, ông được bầu làm Giáo sư Đại học Paris 5.

Ông có hơn 30 công trình nghiên cứu cùng hàng trăm luận văn khoa học đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học Pháp và thế giới.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.