Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi báo cáo sơ bộ về những phát hiện mới nhất trong cuộc khai quật gần đây tại di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức), các chuyên gia đề xuất đẩy nhanh việc công nhận di chỉ Vườn Chuối là di tích cấp thành phố.

Nhiều phát hiện quan trọng

Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và các cơ quan liên quan khai quật di chỉ Vườn Chuối với tổng diện tích 6.000m2.

Các nhà khai quật đã triển khai 60 hố khai quật, mỗi hố có diện tích 100m² ở phía Tây di chỉ Vườn Chuối, bước đầu đã có những phát hiện quan trọng.

TS. Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ học) cho biết, di tích nằm ở vị trí cao nhất của gò Vườn Chuối. Bên trong di tích là dấu tích các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn. Sườn ngoài của di tích là nơi chôn cất người chết, ở góc Tây Bắc mật độ chôn cất rất cao tạo thành một bãi mộ tiền Đông Sơn nằm tập trung với ít nhất hai giai đoạn cắt phá nhau.

Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô ảnh 1Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô ảnh 2

Khu vực khai quật phía Tây di chỉ Vườn Chuối. Ảnh: Viện Khảo cổ

“Khả năng di tích được hình thành trong giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, là lớp cư dân đầu tiên đến cư trú ở khu vực này. Đây là phát hiện rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thời đại kim khí ở miền Bắc Việt Nam, giúp chúng ta có những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú nhằm ứng phó với những hiểm nguy từ môi trường tự nhiên cũng như xã hội cổ đại”, TS. Nguyễn Ngọc Quý nhận định.

Các nhà khai quật cũng phát hiện hơn 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn, chia thành 2 giai đoạn mộ Đông Sơn sớm và mộ Đông Sơn muộn. Một đặc điểm quan trọng là mộ táng tiền Đông Sơn có tục nhổ răng cửa ở người trưởng thành nhưng đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn không còn thấy tục lệ này.

Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô ảnh 3Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô ảnh 4Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô ảnh 5Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô ảnh 6

Mộ táng, di cốt và dấu vết của tục nhổ răng cửa trên di cốt tiền Đông Sơn.

Các nhà khai quật nhận định, hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi triển khai nghiên cứu về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động, chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ trong thời đại Kim khí ở miền Bắc Việt Nam.

Kết quả khai quật đã bước đầu nhận diện khả năng người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài kiểu những ngôi nhà dài của một số tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn sử dụng cho đến gần đây. Phát hiện này mở ra triển vọng mới về việc tìm hiểu kiến trúc nhà ở thường nhật trong một ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách thức bố trí không gian cư trú trong làng.

Đề nghị sớm công nhận di tích Vườn Chuối

Trong cuộc họp ngày 18/10 báo cáo kết quả tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, các chuyên gia nhận định, kết quả thu được qua đợt khai quật từ tháng 3/2024 đến nay đã bổ sung tư liệu khẳng định “Vườn Chuối là một ngôi làng đã được con người thời đại kim khí khai phá, làm chủ một cách lâu dài, phát triển liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn - cách đây từ 4.000 đến 2.000 năm”.

“Những kết quả khai quật - nghiên cứu đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ hiện vật về sự có mặt của con người từ rất sớm trên khu vực Hà Nội ngày nay. Các kết quả này còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử các nhóm người dân tộc Việt từ thời tiền sơ sử”, TS. Nguyễn Ngọc Quý nêu.

Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô ảnh 7Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô ảnh 8Phía sau những phát hiện mới nhất ở di chỉ khảo cổ hơn 3.000 tuổi của Thủ đô ảnh 9

Các nhà khai quật chứng minh dấu tích mộ táng nhiều lần bị đào trộm trong những năm qua.

Những năm qua, các nhà khoa học, nhà khảo cổ nhiều lần lên tiếng về tình trạng xâm phạm di chỉ Vườn Chuối. Năm 2019, lãnh đạo Viện Khảo cổ lên tiếng về đơn vị thi công dự án đường xuyên qua di chỉ Vườn Chuối đã san ủi, lắp đặt cống ngầm tại khu vực gò Mỏ Phượng, Dền Rắn khi nhà khoa học chưa bàn giao mặt bằng. Điều này ảnh hưởng tới hiện vật và quá trình nghiên cứu khảo cổ ở khu vực này.

Mặc dù ủng hộ quan điểm đảm bảo sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội của địa phương, tuy nhiên các nhà khoa học nhiều lần đề xuất bảo vệ vùng lõi của di chỉ Vườn Chuối, xây dựng hồ sơ di tích đối với khu vực này, biến Vườn Chuối trở thành công viên khảo cổ học quy mô quốc gia.

Sau khi thu được những kết quả khảo cổ học mới nhất tại di chỉ hơn 3.000 tuổi Vườn Chuối, đoàn khai quật đề nghị UBND TP. Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đẩy nhanh việc công nhận di chỉ Vườn Chuối là di tích cấp Thành phố và thực hiện kế hoạch bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

MỚI - NÓNG