Bất ngờ câu chuyện buồn ẩn sau bài hát 'Đếm sao'

TPO - Bài hát "Đếm sao" có âm điệu tươi vui, rộn ràng với câu từ dễ nhớ, dễ thuộc đã trở thành bài hát đi cùng năm tháng, gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, câu chuyện đằng sau cảm hứng sáng tác ca khúc này lại không vui vẻ như lời ca. Điều này được con trai nhạc nhạc sĩ Văn Chung tiết lộ nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhạc sĩ (1914-2024).

Thông tin được đưa ra tại Đêm nhạc Văn Chung - chương trình được tổ chức tại Hà Nội ngày 19/10 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Chung (1914-2024).

Chương trình do nhạc sĩ Dương Thụ biên tập và chủ trì cùng với sự tham gia của các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Cát Vận, Lưu Hà An. Đêm nhạc được tổ chức giản dị đầy ấm cúng tại không gian văn hóa Cà phê Thứ Bảy Hà Nội.

Bất ngờ câu chuyện buồn ẩn sau bài hát 'Đếm sao' ảnh 1

Ca sĩ Vành Khuyên thể hiện ca khúc Bóng ai qua thềm trong đêm nhạc kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Chung.

Trong đêm nhạc, nhiều ca khúc nổi tiếng gắn với tên tuổi nhạc sĩ Văn Chung như Bóng ai qua thềm, Đếm sao, Lượn tròn lượn khéo, Ba cô gái đảm... được gửi tới khán giả. Dịp này, nhiều câu chuyện đằng sau những sáng tác này cũng được ông Mai Trung Kiên - con trai nhạc sĩ Văn Chung - hé lộ.

Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Văn Chung phải kể đến Đếm sao. Với âm điệu tươi vui, rộn ràng, câu từ dễ nhớ, dễ thuộc đã trở thành bài hát đi cùng năm tháng.

Những ca từ "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao/Ba ông sao sáng, sáng chiếu muôn ánh vàng/Bốn ông sao sáng, kìa năm ông sao sáng/Kìa sáu ông sáng sao trên trời cao"... đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ.

Bất ngờ câu chuyện buồn ẩn sau bài hát 'Đếm sao' ảnh 2

Ông Mai Trung Kiên chia sẻ về câu chuyện ẩn sau ca khúc Đếm sao.

Chia sẻ về cảm hứng sáng tác bài hát này, ông Mai Trung Kiên cho biết ca khúc được sáng tác với những hoài niệm của cha mình về người chị đã mất trong mưa bom, bão đạn.

"Tôi lục nhiều sách vở bố tôi để lại và có thấy một đoạn bố tôi lưu lại về câu chuyện này. Theo đó vào năm 1947, tôi có người chị gái tên Thủy Tiên, chị được gửi ở nhà bà và cô trông hộ. Sau đó khi bố tôi ở Bắc Kạn lại nhận được tin chị gái bị máy bay ném bom, chết dọc đường ở Bắc Giang. Ông đã tìm mọi cách để tìm về với con gái", ông Mai Trung Kiên kể lại.

Là một người thợ khắc chữ, nhạc sĩ Văn Chung đã chuẩn bị sẵn bia khắc tên con gái để làm hậu sự. Tuy nhiên, ngay khi chuẩn bị xong để lên đường ông lại nghe thấy tiếng xôn xao và nhìn thấy giặc Pháp đang ăn mừng chiến thắng.

Bất ngờ câu chuyện buồn ẩn sau bài hát 'Đếm sao' ảnh 3Bất ngờ câu chuyện buồn ẩn sau bài hát 'Đếm sao' ảnh 4
Bài hát Đếm sao là những hoài niệm của nhạc sĩ Văn Chung về cô con gái đã mất trong mưa bom, bão đạn.

"Ông đau đớn, ngước mắt lên trời để ngăn dòng cảm xúc để rồi thấy một bầu trời đầy sao giống y ngày chia tay người con gái bé nhỏ của mình. Thời điểm đó chị tôi còn nhỏ tuổi, rất nhõng nhẽo đòi theo bố mẹ. Người dỗ chị tôi lúc đó là bố. Ông nói rằng khi nào chị tôi đếm được đến 100 thì bố sẽ quay về", ông Mai Trung Kiên cho biết.

Sau đó nhạc sĩ Văn Chung đã dạy cô bé Thủy Tiên tập đếm thông qua câu đồng dao "Một ông sao sáng, hai ông sáng sao". Khi nhìn lên bầu trời sao, nhạc sĩ Văn Chung lập tức nhớ đến giây phút chia tay con gái và bài đồng dao này. Đây cũng là điều thôi thúc ông viết ra bài hát Đếm sao.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường sau khi biết câu chuyện phía sau bài hát cũng ngạc nhiên. Ông thấy rằng cảm hứng sáng tác bài hát này rất buồn nhưng không ai thấy nỗi buồn trong từng giai điệu, câu từ.

Ông Mai Trung Kiên cho biết bài hát Lượn tròn lượn khéo cũng được nhạc sĩ Văn Chung lấy cảm hứng từ người con gái đã khuất này.

Văn Chung tên thật Mai Văn Chung (1914-1984) thuộc lớp nhạc sĩ đầu đàn của nền tân nhạc Việt Nam, cùng thời với những tên tuổi như Nguyễn Xuân Khoát, Doãn Mẫn, Lê Yên. Ông bắt đầu sáng tác âm nhạc từ rất sớm. Năm 1935, ở tuổi 21, ông đã viết Tiếng sáo chăn trâu. Ngay tác phẩm đầu tay này cũng đã thể hiện rõ khuynh hướng muốn nói về nông thôn của ông. Năm 1939, ông có bài Bóng ai qua thềm rất nổi tiếng, nằm trong những ca khúc tiêu biểu của dòng nhạc lãng mạn. Ngoài những bài viết về nông thôn, nông dân Văn Chung còn những bài nổi tiếng khác như Pì noọng ơi!, Vào Đông Khê, Bài ca trên đường thống nhất, Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng, Tính hẹn cùng tình, Từng bước đi vững chắc, Ba cô gái đảm...

MỚI - NÓNG