Sáng 18/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội nghị công bố quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 991/QĐ-TTg và quyết định số 509/QĐ-TTg.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết đây là hội nghị quan trọng giúp Bộ VHTTDL tổng hợp, chuẩn bị nội dung ban hành kế hoạch thực hiện hai quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tìm những công trình biểu tượng cho Việt Nam
Đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao được cân đối, phân bố không gian hợp lý, hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ 21.
Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị công bố quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao, hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Quy hoạch cũng hướng đến hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia và vùng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Về mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia, ngành văn hóa nghiên cứu, xây dựng mới hai bảo tàng quốc gia (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) và một số bảo tàng chuyên ngành như bảo tàng tiền Việt Nam, bảo tàng kiến trúc Việt Nam...
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa từ 1/11. |
Đối với lĩnh vực điện ảnh, ngành văn hóa sẽ nâng cấp quy mô các công trình trọng điểm như Trung tâm Chiếu phim quốc gia tại Hà Nội lên cấp đặc biệt với sức chứa trên 3.000 chỗ ngồi, nâng cấp Rạp chiếu phim điện ảnh Quân đội nhân dân (Bộ Quốc phòng) đạt tiêu chuẩn quốc gia với sức chứa đến 3.000 chỗ ngồi.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa thể thao tầm nhìn đến năm 2045 đề cập nội dung xây dựng mới 4 trung tâm chiếu phim hiện đại tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Huế.
Nội dung quy hoạch chủ trương bảo đảm 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế văn hóa, gồm trung tâm văn hóa, bảo tàng, thư viện.
Cần cơ chế đột phá cho thiết chế văn hóa cơ sở
Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), tính đến hết tháng 9/2024, toàn quốc có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nêu ý kiến bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao.
Tính đến hết tháng 9, toàn quốc có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. |
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An - nêu thực trạng một số công trình ở tỉnh được đầu tư với kinh phí lớn nhưng khó đưa vào sử dụng. Đại diện Sở VHTT Nghệ An đề xuất vấn đề xã hội hóa, hợp tác công tư để phát triển các thiết chế, thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Để các thiết chế văn hóa cơ sở được đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã cho đến các khu dân cư, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM kiến nghị Bộ VHTTDL ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng mở, tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn khung cơ bản. Các địa phương sẽ ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể phù hợp với đặc thù của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đề nghị các cơ quan liên quan phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung quy hoạch. |
Các nhà quản lý cho rằng cần hình thành cơ chế đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, trở thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định để biến tầm nhìn thành hiện thực, các cơ quan liên quan phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung quy hoạch, các cấp ngành địa phương phối hợp đảm bảo thống nhất đồng bộ, nhịp nhàng.
Theo quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế năm 2025. Quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch, hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.