Chi tiền triệu cho túi mù
Blind box (túi mù, hộp mù) đang trở thành món đồ chơi, phụ kiện được giới trẻ săn lùng. Bên trong những túi mù này chứa món đồ ngẫu nhiên mà nhà sản xuất quyết định, có thể là mô hình con vật, hoa quả, bánh trái... đủ các màu. Người mua sẽ chỉ biết sau khi bóc túi.
Khi đã đu theo trào lưu bóc túi mù, người chơi thường mua một lúc cả chục túi và quay video bóc túi đăng lên mạng xã hội. Không chỉ người mua tò mò, người xem cũng hồi hộp không kém. Chỉ cần lướt mục livestream trên TikTok, cứ cách 3-4 video lại có một livestream bóc túi mù. Lượt xem mỗi video này lên đến cả chục nghìn.
Túi mù rẻ, dễ mua kích thích người chơi. |
Trào lưu này cũng có quy tắc riêng nên càng khiến nhiều người say mê. Trong các livestream, người chơi thường bắt đầu với 12 túi mù theo quy tắc ghép cặp và mong ước.
Với quy tắc ghép cặp, nếu mở được hai túi có mô hình bên trong giống nhau thì được cộng thêm một túi. Với quy tắc mong ước, nếu mô hình mở ra đúng với màu mà người chơi chọn ngay từ trước khi xé túi thì được cộng thêm một túi. Quá trình này lặp đi lặp lại đến khi không còn cặp nào để ghép hoặc không còn màu mong ước nữa.
Một số người nổi tiếng như hoa hậu Hương Giang, ca sĩ Hari Won, diễn viên Lê Giang, TikToker Phạm Thoại... cũng góp phần khiến trào lưu này nổi đình đám hơn ở Việt Nam. Một TikToker đăng tải video cùng xé túi mù với diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc hôm 10/10, hút cả triệu lượt xem.
Diễn viên Lê Dương Bảo Lâm, Hoa hậu Khánh Vân bóc cả trăm túi mù cùng lúc. |
Diễn viên Lê Dương Bảo Lâm từng đăng video chia sẻ về một lần mua túi mù hết 800.000 đồng, tương đương khoảng 100 túi mù. Sau đó anh cùng Hoa hậu Khánh Vân, diễn viên Ngọc Trai xé túi mù và bày các mô hình ra một chiếc đĩa lớn. Hoa hậu Khánh Vân cũng bỏ ra 1 triệu đồng để thỏa mãn thú vui này.
Vũ Hà Linh (20 tuổi, Hà Nội) - người bắt đầu tập tành chơi túi mù từ vài tháng trước - chia sẻ: "Túi mù có giá rất rẻ, chỉ từ 1.000 đồng đến dưới 10.000 đồng/túi nên ai cũng có khả năng mua. Mỗi lần chơi, tôi thường mua khoảng 20 túi. Khi nào quay clip đăng lên mạng tôi mua nhiều hơn. Những mô hình trong túi rất nhỏ, không sử dụng được vào việc gì, chỉ để bày cho đẹp, nhưng vì tò mò, thích cảm giác bóc đồ chơi mới nên tôi vẫn mua", Linh nói.
Người nổi tiếng góp phần lan tỏa xu hướng giải trí này. |
Phía dưới những livestream xé túi mù trên mạng xã hội, cư dân mạng để lại nhiều bình luận như: “Xem cả tiếng đồng hồ không chán”, “Không hiểu luật xé túi mù nhưng xem hai tiếng rồi chưa dứt ra được”,...
Tâm lý tò mò, dùng tiền mua sự bất ngờ
Trung Quốc là nơi khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của túi mù, với tầm ảnh hưởng của thương hiệu POP MART. Năm 2020, một trang nghiên cứu thị trường tại Trung Quốc cho biết quy mô thị trường túi mù có sự tăng trưởng ấn tượng. Đến năm 2023, ngành công nghiệp này đã cán mốc hơn 10 tỷ USD.
Cũng nhiều người cho rằng khái niệm đầu tiên về túi mù xuất phát từ Nhật Bản vào những năm 1980.
Túi may mắn ở Nhật Bản có thể coi là nguồn cảm hứng cho những chiếc túi mù hiện nay. |
Ở Nhật có một món đồ tên "fukubukuro" (những chiếc túi may mắn) được thiết kế hoàn toàn giống nhau, nhưng bên trong lại là những món hàng bất ngờ, thậm chí là đồ có giá trị cao như mỹ phẩm, máy ảnh kỹ thuật số. Túi được bán rất rẻ kích thích người mua rút ví.
Những thương hiệu sản xuất túi mù đánh trúng vào tâm lý tò mò, thỏa mãn cảm giác được bóc đồ mới của người chơi. Vì không biết bên trong hộp là gì nên với từng thao tác mở hộp, cảm xúc chờ mong và kỳ vọng cũng tăng theo.
Người chơi xếp hàng mua túi mù ở một cửa hàng tại Trung Quốc. |
Trang SCMP phân tích: "Từ góc độ tâm lý học, việc dự đoán về những điều chưa biết có thể gây nghiện, biến mỗi lần mở hộp thành một khoảnh khắc bất ngờ và phấn khích. Một số khách hàng thậm chí còn mua túi mù nhiều lần để có được một mặt hàng họ mong muốn từ bộ sưu tập".
Các sản phẩm trong túi mù thường gắn với những nhân vật hoạt hình nổi tiếng nên càng chiếm được thiện cảm của người trẻ.
Tuy nhiên, trào lưu tưởng chừng như không có gì tốn kém này cũng có nhiều hệ lụy. Nhiều người bán túi mù ở Việt Nam tranh thủ độn giá khi món đồ chơi này đang gây sốt. Chưa kể, những món đồ chơi nhỏ xíu, giá rẻ dễ dàng bị vứt đi khi người chơi không có nhu cầu. Điều đó gây ra những mối lo về lãng phí và rác thải nhựa.
Ở Trung Quốc, một số trang tin cảnh báo người chơi túi mù nên cẩn trọng khi tham gia những cuộc gặp gỡ người lạ để trao đổi đồ chơi.