Hội nghị chung khảo Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII diễn ra tại Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đầu tháng 10. Đại diện của hội đồng cho biết số lượng nhà xuất bản gửi sách tham dự giải thưởng năm nay có 51/57 nhà xuất bản (nhiều hơn 10 nhà xuất bản so với năm ngoái).
Số sách tham dự Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII là 372 tên sách và bộ sách, bao gồm 455 cuốn sách (nhiều hơn 60 tên sách và bộ sách, 20 cuốn sách so với Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VI).
Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 60 tên sách trình Hội đồng Sách quốc gia xem xét. Sách chính trị - kinh tế có 12 tên sách, sách khoa học xã hội và nhân văn có 9 tên sách, sách khoa học tự nhiên và công nghệ (14 tên sách), sách văn hóa, văn học và nghệ thuật (13 tên sách), sách thiếu nhi (9 tên sách) và sách được bạn đọc yêu thích (4 tên sách).
Một số cuốn sách được đề cử Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII. |
Trong số 13 tên sách của lĩnh vực văn hóa, văn học và nghệ thuật có cuốn Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Cuốn sách được ấp ủ nhiều năm viết về người thầy tình báo - tướng Ba Quốc, tức anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức là một trong những con át chủ bài của ngành tình báo Quốc phòng Việt Nam. Cuốn sách bất ngờ cháy hàng ngay khi ra mắt.
Cuốn Người thầy cũng có tên trong hạng mục đề cử Sách được bạn đọc yêu thích, bên cạnh Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Mùa hè không tên của Nguyễn Nhật Ánh và Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu.
Truyện Người thầy của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là sách ăn khách ngay khi vừa ra mắt. |
So với các mùa giải trước, hạng mục sách thiếu nhi phong phú, có thể kể đến Chuyện kể trước giờ đi ngủ: Soái ca Mèo Mái Ngói, Nông trại Hoa Đậu Biếc của Gia Bảo, Đại bàng tái sinh của Phạm Thị Thanh Hà, Xứ sở miên man (Jun Phạm), Gia tài cho con của Mẹ Mít (Lê Thị Phương Lan)...
Hạng mục sách khoa học xã hội và nhân văn có nhiều công trình công phu, có thể kể đến bộ sách 2 tập Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) của nhà nghiên cứu gạo cội Nguyễn Đình Tư.