Tranh Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tỵ nằm trong bộ 70 tác phẩm chọn lọc về Hà Nội
TPO - Triển lãm "Hà Nội sức sống niềm tin" giới thiệu 70 tác phẩm chọn lọc về chủ đề Hà Nội trong bộ sưu tập mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như "Đánh chiếm Bắc Bộ phủ" (Trần Đình Thọ), "Chiến lũy Ngã Tư Sở" (Nguyễn Văn Tỵ)...
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm chuyên đề Hà Nội sức sống và niềm tin. Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm chọn lọc về chủ đề Hà Nội trong bộ sưu tập mỹ thuật hiện đại của bảo tàng. Dịp này, bảo tàng giới thiệu nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng như Đánh chiếm Bắc Bộ phủ (Trần Đình Thọ), Chiến lũy Ngã Tư Sở (Nguyễn Văn Tỵ), Hà Nội năm 1947 (Công Văn Trung), Phố Gia Ngư (Bùi Xuân Phái)…
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh (trái) bày tỏ Hà Nội luôn là đề tài hấp dẫn, nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác của nhiều thế hệ nghệ sĩ. "Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, hy vọng triển lãm góp một phần ký ức về Hà Nội một thời đã qua. Dù qua bao nhiêu thăng trầm Hà Nội vẫn luôn tràn đầy sức sống và niềm tin", ông Nguyễn Anh Minh khẳng định.
Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ là bức sơn dầu do họa sĩ Trần Đình Thọ sáng tác năm 1984. Bắc Bộ phủ được xây dựng năm 1918, là nơi diễn ra cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh giới thiệu về bức Phố Gia Ngư của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Tranh phố cổ Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái vừa cổ kính, vừa hiện thực. Một trong những đặc trưng của kiến trúc phố cổ Hà Nội là nhà cổ được thể hiện rất rõ trong tranh Bùi Xuân Phái. Ông thường vẽ những ngôi nhà cổ mọc san sát nhau, mái ngói nghiêng đầy rêu phong, những mảng tường vôi lở...
Các tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc được chọn lọc với chất liệu đa dạng, ngôn ngữ tạo hình phong phú, cho thấy tình cảm chân thành của các nghệ sĩ dành cho mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Tác phẩm sơn dầu Bác Hồ với công nhân xe lửa Gia Lâm (sáng tác năm 1979) của họa sĩ Phạm Văn Lung. Họa sĩ Phạm Văn Lung sinh năm 1937 tại Nam Định. Năm 1970, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và trở thành họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động tuyên truyền. Họa sĩ Phạm Văn Lung đã vẽ hàng chục tranh về Bác Hồ, tái hiện khoảnh khắc Người tham gia dạy bình dân học vụ, về thăm quê, thăm bà con nông dân…
Tranh Chiến lũy của tác giả Lê Anh Vân từng giành giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1985. Tác phẩm vẽ bốn chiến sĩ vệ quốc quân giữa cảnh đổ nát của Hà Nội mùa đông năm 1946.
Triển lãm Hà Nội sức sống và niềm tin thu hút nhiều khán giả lớn tuổi.
Hai tác phẩm Đường Cầu Mới của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ (trên) và Tự vệ cảng Hà Nội của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa.
Tranh bột màu Hà Nội đêm giải phóng của họa sĩ Lê Thanh Đức mô tả khung cảnh sau 9 năm kháng chiến, Thủ đô rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân giải phóng.
Ông Nguyễn Văn Tường - cựu Bí thư Đoàn thanh niên Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo và nhà máy sửa chữa ô tô 3/2 - bày tỏ xúc động khi ngắm nhìn những hình ảnh Thủ đô trong kháng chiến. Ông cũng cho biết rất vui mừng khi ngày càng có nhiều sự kiện được tổ chức nhằm ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc.
Góc trải nghiệm in tranh gỗ và chụp hình check-in tại không gian triển lãm.
Triển lãm Hà Nội sức sống và niềm tin mở cửa từ 8-22/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ba Đình, Hà Nội).