Bài thơ Tiếng hạt nảy mầm của tác giả Tô Hà được in trong SGK Tiếng Việt lớp 5 nhận nhiều ý kiến trái chiều về nội dung, cách dùng từ. Trong bài có một số câu thơ như Cánh sẻ vụt qua song/Hót nắng vàng ánh ỏi/Các bé vẫn lặng chăm/Nhìn theo cô mấp máy...
Trong một trang Facebook về giáo dục, nhiều tài khoản mạng xã hội cho rằng bài thơ Tiếng hạt nảy mầm khó học, khó thuộc với học sinh lớp 5. "Cách gieo vần của tác giả quá khó hiểu. Những từ ngữ như ánh ỏi, lặng chăm, mấp máy... không hề phù hợp", một tài khoản bình luận. Một người dùng mạng khác cho rằng đây là tác phẩm thể hiện tình cảm cô trò.
Bài thơ in trong sách Tiếng Việt lớp 5, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. |
Đặc biệt, những chi tiết như đôi tay cô cụp mở, học sinh nhìn theo cô mấp máy miêu tả chi tiết những bài học thú vị mà cô giáo đem lại cho những học sinh khiếm thính. Tuy nhiên về vần điệu, cách dùng từ ngữ có phần gượng ép.
"Với trẻ tiểu học, nên dạy ca dao, tục ngữ hoặc các bài thơ trữ tình, chân phương... Học sinh ở lứa tuổi này khó lòng hấp thụ những bài thơ yêu cầu quá nhiều sự liên tưởng, nhiều từ ngữ không phổ thông như Tiếng hạt nảy mầm", tài khoản Facebook Tú Trung bình luận.
Một phụ huynh học sinh cho biết anh phải đọc cả sách hướng dẫn mới có thể hiểu được nội dung bài thơ.
Tuy nhiên, không ít ý kiến bênh vực tác phẩm này. Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà nhận định bài thơ giàu nhạc điệu, hình ảnh sống động, dễ thương, dễ hiểu. Bối cảnh bài thơ được viết cho một lớp học khiếm thính. Không gian im lặng, hoàn toàn im lặng, mọi âm thanh không thể nào được trẻ khiếm thính cảm nhận được dù vang động đến đâu.
Nhà thơ Tô Hà (Lê Duy Chiểu) là tác giả bài Tiếng hạt nảy mầm. |
"Các em học ngôn ngữ ký hiệu, mường tượng âm thanh qua hướng dẫn của cô. Và kìa, như hạt nẩy mầm trên đá, hoa nở trong sa mạc, âm thanh cuộc sống ùa về trên bàn tay cô, trong ánh mắt ngập tràn yêu thương... Bài thơ xúc động bởi ý nghĩa nhân văn mà Tô Hà làm được. Sự hòa nhập cuộc sống bình thường dẫu muôn trùng khó khăn của trẻ khiếm thính được nhà thơ chụp lại vô ngần trong trẻo...", nhà văn Việt Hà bình luận.
Chị cho rằng học sinh khi được học bài thơ này sẽ hiểu và thông cảm hơn với trẻ khuyết tật khiếm thính hơn. Về từ ngữ gây tranh cãi, nhà văn lý giải ánh ỏi có nghĩa là ngân vang, vút cao. Như vậy, tiếng chim hót trong nắng được mô tả ánh ỏi là hoàn toàn phù hợp.