Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức triển lãm tư liệu.
Triển lãm khai mạc sáng 9/10 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội), gồm 4 nội dung Hà Nội - Nghìn năm văn hiến, Hà Nội - Thủ đô anh hùng, Hà Nội - Trái tim của cả nước, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia và Sách được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc triển lãm. |
Hơn 500 tư liệu phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội, nhấn mạnh ý chí chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân và dân Thủ đô trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.
Một số tư liệu giới thiệu về vị trí địa lý chiến lược của Hà Nội, vai trò, vị thế của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Các tư liệu phản ánh lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội. |
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định triển lãm sách lần này là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm nêu bật ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô.
"Những tư liệu, sách, ảnh được trưng bày tại triển lãm được trình chiếu dưới định dạng số hóa điện tử bằng các công nghệ hiện đại, nhằm lan tỏa mạnh mẽ những giá trị to lớn của sách không chỉ trong khuôn viên triển lãm, mà cả trên không gian mạng. Đây là điểm nhấn quan trọng, một không gian văn hóa đọc hấp dẫn đóng góp phần tạo nên những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp trong ngày lễ trọng đại của Thủ đô Hà Nội", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu.
Các tư liệu được trưng bày tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. |
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tin tưởng triển lãm sách giúp bạn đọc tiếp cận với nguồn tài nguyên tri thức phong phú, phục vụ cuộc sống.
Triển lãm diễn ra từ ngày 9/10 đến hết 13/10.
Triển lãm có hàng trăm tựa sách viết về Thủ đô ngàn năm văn hiến, về dấu mốc lịch sử giải phóng Thủ đô như Tủ sách 1.000 năm Thăng Long của NXB Hà Nội, các tác phẩm văn học đi cùng năm tháng như Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng, Lũy Hoa của Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam, Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài ...