Thời hoàng kim đã qua?
70 năm kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô, ngành sân khấu luôn đồng hành với những sự kiện lớn của dân tộc, của Hà Nội. Nhìn lại quá trình phát triển, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nhắc lại nhiều vở diễn ra đời từ trong khói lửa chiến tranh, được dàn dựng khẩn trương và đến với chiến sĩ, đồng bào cả nước. Các nhân vật anh hùng, chiến sĩ, nông dân, công nhân, trí thức trở thành trung tâm của nhiều vở diễn, góp phần cổ vũ chiến đấu. Có thể kể tới Trương Viên của đoàn Lạc Việt, Bà mẹ sông Hồng, Hoàng Diệu của đoàn Kim Phụng, Thạch Sanh của Đoàn chèo Hà Nội...
Sân khấu truyền thống lo thưa vắng khán giả. |
Sân khấu Thủ đô trong thời bình đã vào cuộc nhanh với những Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Thanh Hương, Nguyễn Khắc Phục, Doãn Hoàng Giang, Xuân Đức, Chu Thơm, Võ Khắc Nghiêm… Họ không chỉ làm nhiệm vụ đổi mới sân khấu, đổi mới góc nhìn về cuộc sống, phương thức thể hiện mà còn góp phần thức tỉnh ý thức xã hội, tạo những tiền đề quan trọng để đổi mới tư duy, chấm dứt quán tính nhận thức cuộc sống đơn giản, xuôi chiều của một thời.
Những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm. Trong báo cáo số 136/BC-BVHTTDL về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng, khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Tuy sân khấu Hà Nội đã có một lịch sử lẫy lừng, nhưng các chuyên gia, lãnh đạo nhà hát khẳng định, phía sau tấm màn nhung là rất nhiều trắc trở, khó khăn bủa vây các nghệ sĩ nói riêng và ngành sân khấu nói chung. NSND Nguyễn Hoàng Tuấn trăn trở: "Hà Nội ngày càng hội nhập, những hình thức diễn xướng truyền thống càng chịu nhiều sức ép, trở thành yếu thế. Dù xót xa, chúng ta cũng phải thừa nhận, thời đại hoàng kim của cải lương đã qua, các loại hình truyền thống như chèo, dân ca, nhạc cổ truyền…đang mất dần công chúng”. Ông cũng cho rằng cơ chế của Nhà nước với các nhà hát đang thay đổi theo chiều hướng thị trường. Giải trí có xu hướng lấn dần nghệ thuật chuyên nghiệp. Điều này cũng không đi trái với quy luật.
Lực lượng hoạt động trong lĩnh vực sân khấu hầu hết không còn ở lứa tuổi trẻ trung. “Người xưa tổng kết thầy già con hát trẻ là một lợi thế, nhưng chúng ta chưa khai thác hết lợi thế từng trải, dày dạn kinh nghiệm và tài năng của đội ngũ thầy già. Công tác lý luận phê bình sân khấu cũng yếu”, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nói.
Nhà nước và các cơ quan chuyên môn chung tay bảo tồn sân khấu truyền thống thông qua các liên hoan, trại sáng tác. |
Sân khấu cũng đang đối diện với một thực tế cần giải quyết, đó là bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống. Chuyên gia nhận định, không thể bảo tồn theo kiểu xoay quanh 7 vở chèo cổ và gần 200 làn điệu, cứ diễn lại, quay phim, chụp ảnh rồi cho vào bảo tàng là xong.
Tìm lại chỗ đứng
Nhiều nghệ sĩ sân khấu phải chật vật bám trụ với nghề. Diễn viên chèo Xuân Chường (Nhà hát Chèo Việt Nam) chia sẻ hoàn cảnh đi làm gần 15 năm chưa đủ tiền mua nhà, phải đi ở nhờ gác xép rộng 8m2. Cát-xê của nghệ sĩ chèo cũng rất thấp, khoảng 200.000-300.000 đồng/buổi diễn với vai chính, 100.000-150.000 đồng/buổi diễn với vai phụ. Nghệ sĩ múa, nghệ sĩ xiếc phải làm đủ việc mới trang trải được cuộc sống. Nhiều mùa tuyển sinh gần đây, một số ngành đào tạo văn hóa nghệ thuật nhất là nghệ thuật truyền thống như tuồng, cải lương... rơi vào tình cảnh hiu quạnh.
NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam kiến nghị nâng cao năng lực và tổ chức lại các đơn vị nghệ thuật truyền thống theo hình thức doanh nghiệp nhà nước về văn hóa nghệ thuật, đồng thời có thêm cơ chế khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao...
NSND Bùi Thanh Trầm cho rằng, từ năm 1986 đến nay, sân khấu Hà Nội bước vào một thời kỳ thử thách mới. “Cùng với sân khấu cả nước, sân khấu Hà Nội bước vào cơ chế thị trường với sự vật lộn để tồn tại và phát triển từ trong tất cả nỗi ngỡ ngàng đến ngơ ngác, gay go đến khắc nghiệt của nó. Người ta từng xác định cho sân khấu những tình trạng thật bi đát: sân khấu xuống cấp, sân khấu khủng hoảng...”, NSND Bùi Thanh Trầm nói.
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho rằng, để phát triển đội ngũ nghệ sĩ kế cận, cần tạo điều kiện cho các tác giả, đạo diễn trẻ được xuất hiện trước công chúng qua sàn diễn. Phải có những đặt hàng với tác giả, đạo diễn căn cứ theo mục tiêu của nhà hát.
Để sân khấu duy trì chỗ đứng trong lòng khán giả, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh các giải pháp tổ chức liên hoan trong nước và quốc tế, liên hoan sân khấu tài năng trẻ và đẩy mạnh kênh truyền hình sân khấu hằng tuần. Kết hợp với các hoạt động du lịch, biểu diễn cho khách quốc tế cũng là một hướng đi.
Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội Nguyễn Hoàng Tuấn nêu quan điểm, Nhà nước và các cơ quan chuyên môn chung tay bảo tồn sân khấu truyền thống là việc làm cần thiết, tuy nhiên, cần thêm nhiều giải pháp để sân khấu thực sự song hành với đời sống nhân dân. “Vai trò tiên phong của nghệ sĩ là ở chỗ đi trước, phát hiện ra những vấn đề của thời đại, dự báo xu hướng phát triển của xã hội và đưa những vấn đề, con người ấy vào tác phẩm để từ đó chúng lại tác động lại đời sống là sứ mệnh của nghệ sĩ”, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn nói. Khán giả khi trở lại với sân khấu cũng đòi hỏi tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, được đầu tư công phu và giàu sáng tạo.