Lên kịch bản 1.600 ca mắc/ngày ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
Lấy mẫu xét nghiệm tại quận Gò Vấp, TPHCM Ảnh: Khôi Nguyễn
Lấy mẫu xét nghiệm tại quận Gò Vấp, TPHCM Ảnh: Khôi Nguyễn
TP - Chiến lược chống dịch của TPHCM chuyển từ “đánh chặn” sang “2 mũi giáp công, trong đánh ra, ngoài đánh vào”. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, khu phố là một “pháo đài”. Thi đua giữ chặt “vùng xanh”, quyết liệt cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở “vùng đỏ”, làm sạch địa bàn, từng bước mở rộng khu vực an toàn.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TPHCM, ngày 10/7.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Đến nay, TPHCM thực hiện xét nghiệm định kỳ cho: các khu phong tỏa 2-3 ngày/lần; khu vực có nguy cơ cao 5-7 ngày/lần; các ổ dịch có nguy cơ rất cao thực hiện test nhanh kháng nguyên, đồng thời thực hiện mẫu gộp 5 trên phạm vi tổ dân phố, mở rộng các khu phố đến từng gia đình. Nếu test nhanh dương tính, các lực lượng sẽ xét nghiệm mẫu đơn bằng phương pháp Realtime RT-PCR, điều tra các trường hợp F1 để chuyển cách ly, điều trị sớm. Trước diễn biến dịch bệnh, thành phố tiếp tục lên phương án bổ sung thêm 6.000 giường để phục vụ công tác điều trị”.

Phó Thủ tướng đề nghị tuyệt đối không để tồn tại tình trạng lấy mẫu về mà để tồn mẫu, tính toán hài hòa giữa tốc độ lấy mẫu và năng lực xét nghiệm. Lấy mẫu đến đâu phải xét nghiệm và trả kết quả đến đấy; phải đảm bảo đầy đủ thông tin, phân tích dịch tễ để “chỉ điểm” trở lại cho công tác truy vết, lấy mẫu nơi nào trước, nơi nào sau, phương thức xét nghiệm ra sao theo mức độ nguy cơ, “không dàn hàng ngang”.

Tận dụng thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Bộ Y tế và thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm… để sớm phát hiện và "bóc tách ngay" ca F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững "vùng xanh", đưa "vùng đỏ" dần xuống thành "vùng cam", tiếp tục xuống "vùng vàng" và nhanh chóng trở về trạng thái an toàn.

Lên kịch bản 1.600 ca mắc/ngày

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực của Bộ Y tế hỗ trợ TP HCM chống dịch, cho biết, với dự báo số ca mắc COVID-19 tăng cao (trên 1.000 ca/ngày) nên Bộ phận này đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày. Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại thành phố có thể lên tới 10.000 người. Do đó, TPHCM đặt mục tiêu nỗ lực "bóc tách ngay" ca F0 ra khỏi cộng đồng.

Nhấn mạnh phải chuẩn bị công tác xét nghiệm, điều trị cho kịch bản này, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói: "Ngành Y tế đã đánh giá lại năng suất của 17 phòng xét nghiệm trên địa bàn thành phố (xét nghiệm được khoảng 7.000 mẫu/ngày). Nếu có sự hỗ trợ của các đơn vị, bộ ngành, có thể tăng công suất lên 30.000 mẫu/ngày. Công suất này chỉ đáp ứng được cho xét nghiệm các trường hợp F1 đang ở trong khu cách ly tập trung".

Theo kịch bản ước tính trong 15 ngày tới, với 1.600 ca mắc/ngày (trung bình 1 ca F0 có khoảng 30 trường hợp F1), thành phố cần sử dụng khoảng 2 triệu test nhanh và gần 3 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR. Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế sẽ rà soát lại Trung tâm xét nghiệm Realtime RT-PRC do Tập đoàn VinGroup tài trợ, với 30 máy, công suất có thể đạt được 20.000-25.000 mẫu/ngày.

Đối với nhóm ở khu vực nguy cơ rất cao (vùng phong toả - màu đỏ) sẽ được thực hiện mẫu gộp toàn bộ gia đình, dự kiến cần sử dụng 1,6 triệu xét nghiệm Realtime RT-PCR và 1,3 triệu test nhanh. Tuy nhiên, do những gia đình trong khu vực này đã hoàn toàn giãn cách, do vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng chỉ cần xét nghiệm đại diện hộ gia đình để tiết kiệm test nhanh.

"Bộ phận thường trực sẽ cân nhắc và điều chỉnh hợp lý để giảm bớt số lượng test nhanh; thực hiện 2 mũi xét nghiệm "giáp công" (từ các vùng nóng ra và xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực an toàn) để mở rộng ‘vùng xanh’ cho thành phố", Thứ trưởng Sơn cho biết. Về nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế đã có 4 phương án và kế hoạch sẵn sàng nguồn nhân lực cho TPHCM. Trong đó, sẽ điều khoảng 200 bác sĩ chuyên ngành hồi sức và truyền nhiễm cho bệnh viện chuyên hồi sức với công suất 1.000 giường; điều khoảng 800 điều dưỡng theo yêu cầu của thành phố.

Với các bệnh viện dã chiến thu dung các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, Bộ Y tế dự kiến huy động 472 bác sĩ và 875 điều dưỡng; điều động 500 người truy vết, lấy mẫu theo thành phố yêu cầu. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế đã điều 25 lãnh đạo các cục, vụ vào trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện của TP HCM.

Dồn lực dập dịch tại "vùng đỏ"

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, toàn TPHCM thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, "giữ chặt vùng xanh an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ", tuyệt đối không để tập trung đông người hoặc người dân ra khỏi nhà không cần thiết.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, TPHCM cần phát huy kinh nghiệm thực tế, sự sáng tạo, mạnh dạn thực hiện, vừa làm vừa điều chỉnh như: cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm phân theo nhóm hoặc hộ gia đình có điều kiện sinh sống, làm việc khác nhau; phương án cách ly mới đối với những ca đã đủ điều kiện ra viện…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP HCM thống nhất, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chiến lược chống dịch phải rõ mục tiêu, thực hiện nghiêm, làm đến đâu chắc đến đó, hiệu quả là trên hết. Những ngày tới, dự báo số ca F0, F1 sẽ tăng ở một số khu vực. Tuy nhiên, với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, điều chỉnh chiến lược truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, TPHCM sẽ kiểm soát được tình hình.

MỚI - NÓNG