Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu:

'Lao vào tâm dịch' để thấy tinh thần của tuổi trẻ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Mỗi ngày đều phải gọi điện báo tin dữ cho gia đình bệnh nhân, đúng là một áp lực mà không phải ai cũng có thể đảm nhiệm được", bác sĩ Đỗ Doãn Bách đã chia sẻ về những trải nghiệm không bao giờ quên của tháng năm tuổi trẻ khi trực tiếp tham gia vào tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách là một bác sĩ trẻ công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Hiện bác sĩ Đỗ Doãn Bách đang được đề cử cho Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam năm 2021 tiêu biểu trong lĩnh vực Hoạt động xã hội.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông Tim mạch thuộc Hội Tim mạch học Việt Nam; đóng góp công sức vào thành công của Đại hội Tim mạch lần thứ 17 của Hội Tim mạch học Việt Nam. Ngoài ra, Bách cũng là thành viên sáng lập và tham gia vận hành mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tiếp cận với 150.000 bệnh nhân F0, gọi được 450.000 cuộc gọi thành công, phát hiện được 1415 bệnh nhân nguy cơ cao được hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện.

'Lao vào tâm dịch' để thấy tinh thần của tuổi trẻ ảnh 1

Tinh thần tuổi trẻ và trách nhiệm đối với xã hội

Sinh ra trong một gia đình có ông bà nội công tác trong ngành y, được sự dạy bảo và chỉ dẫn của ông bà nên Bách cũng nối nghiệp và mong muốn thành các bác sĩ có nhiều đóng góp cho ngành y. Bách tự thấy bản thân cũng ảnh hưởng nhiều bởi ông bà, được ông định hướng cho yêu thích các môn khoa học, đặc biệt là khám phá về cơ thể con người.

Đặc biệt yêu thích công tác hoạt động xã hội, thiện nguyện, Bách khẳng định, với một bác sĩ trẻ thì công tác tình nguyện là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhất, giúp bản thân có nhiều trải nghiệm và các bài học quý giá. Vì với ngành y theo mình hiểu là không chỉ có kiến thức, không chỉ có hiệu quả điều trị mà còn là đối nhân xử thế, giao tiếp giữa mọi người với nhau. Những hoạt động này sẽ làm mình có góc nhìn rộng lớn hơn, hiểu được tâm tư nguyện vọng của người bệnh để không chỉ chữa bệnh thực thể, mà còn chữa bệnh về tinh thần.

Hai năm qua là quãng thời gian dịch bệnh COVID-19 lan tràn trên toàn thế giới nói chung và đất nước Việt Nam nói riêng. Bản thân cũng chỉ là một trong những bác sĩ trẻ đã được trải nghiệm thời gian này, góp công sức của mình vào cuộc chiến chống dịch của đất nước. Khi làm việc trong TPHCM lúc dịch bệnh đang cao trào nhất thì suy nghĩ đây là một trong những quãng thời gian giá trị và giàu trải nghiệm nhất trong sự nghiệp của Bách. Khi nhìn lại Bách thấy rằng đó chính là tinh thần tuổi trẻ và trách nhiệm đối với con người và xã hội.

'Lao vào tâm dịch' để thấy tinh thần của tuổi trẻ ảnh 2

Những trải nghiệm không bao giờ quên

Khi dịch bùng phát với số ca mắc mới liên tục tăng, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã lên phương án nhằm phân tầng bệnh nhân và giảm áp lực cho y tế địa phương. Sau đó đã phối hợp cùng tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống dịch COVID-19 tiến hành thăm dò.

Qua quá trình thăm dò, nhận thấy rằng đa số bệnh nhân bị hoảng loạn do không tiếp cận được với y tế. Nếu có y, bác sĩ hướng dẫn họ sẽ bình tĩnh, tự theo dõi để vượt qua dịch bệnh.

Từ thực tiễn đó, Bách và các anh chị đã có sáng kiến và chính thức thành lập mạng lưới Thầy thuốc đồng hành vào tháng 7/2021. Vì thời điểm đó rất nóng, nên tổ sáng lập đã phải làm việc ngày đêm để triển khai, nên gần như ăn uống tại chỗ, ngày ngủ 4 tiếng liên tục trong hơn 1 tuần. Sau khi mọi việc ổn hơn thì Bách nhận được lệnh vào bệnh viện dã chiến 16, TPHCM.

Tại TPHCM, mặc dù ngày làm việc 8 tiếng tại bệnh viện, nhưng trong giờ nghỉ Bách vẫn luôn dành thời gian cho mạng lưới.

Theo Bách, để tư vấn chữa bệnh qua điện thoại thường gặp khá nhiều rào cản. Bởi để thăm khám 1 người bệnh thì mình phải làm đủ các bước: Nhìn, sờ, gõ, nghe. Khi khám qua điện thoại thì mình chỉ phỏng đoán qua triệu chứng của người bệnh, cố gắng liên kết các chi tiết để làm sao chính xác nhất.

Kỷ niệm mà Bách khó quên là khi các bác sĩ gửi bệnh nhân nhờ tư vấn về vấn đề tim mạch. Có bệnh nhân mặc dù nguy cơ thấp nhưng đột ngột đau ngực dữ dội. Điều kiện trong đó thì nhập viện rất khó khăn, nên cần bác sĩ tim mạch hỗ trợ. Bách đã hỏi rất kỹ thì phát hiện ra bệnh nhân yếu tố nguy cơ không cao, cơn đau ngực cũng không giống của tim mạch. Sau 1 hồi hỏi han thì mới xác định được bệnh nhân bị Zona thần kinh.

Trong 2 năm chiến đấu với dịch bệnh, có những khoảng thời gian Bách cảm thấy mất phương hướng và bế tắc. Cụ thể là thời điểm trong TPHCM dịch bệnh bùng phát. Mỗi ngày đều phải gọi điện báo tin dữ cho gia đình bệnh nhân, đúng là một áp lực mà không phải ai cũng có thể đảm nhiệm được. Hoặc khi nhìn thấy bệnh nhân có cơ hội và cố gắng dồn tâm dồn sức, suy nghĩ ngày đêm để cứu chữa nhưng bệnh nhân càng ngày càng xa mình.

Những thời điểm đó, sự động viên của lãnh đạo bệnh viện, của gia đình và bạn bè hay lời cảm ơn của gia đình người bệnh như đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để Bách vượt qua. Và đến bây giờ, nghĩ lại thì vẫn thấy rằng đó mãi là những trải nghiệm không bao giờ quên.

MỚI - NÓNG