Lãnh đạo Đắk Lắk vào Nam khảo sát, lo việc làm cho lao động sau hồi hương

0:00 / 0:00
0:00
Lao động Tây Nguyên vào Nam làm việc sau dịch COVID-19
Lao động Tây Nguyên vào Nam làm việc sau dịch COVID-19
TPO - Sau đợt bùng phát dịch COVID-19, các tỉnh phía Nam đang rất cần nguồn lao động; trong khi đó, tại Đắk Lắk có hàng nghìn người muốn vào Nam tìm việc nhưng còn e ngại nhiều vấn đề. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã lập đoàn công tác vào Nam khảo sát thực tế.

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã cùng đoàn công tác trực tiếp xuống TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương để khảo sát, kết nối, hỗ trợ người lao động trở lại các tỉnh phía Nam làm việc sau dịch COVID-19.

Trong 2 ngày làm việc (2-3/12), đoàn công tác đã nắm bắt được nhiều thông tin liên quan đến nhu cầu nhân công cũng như các chính sách hỗ trợ cho người lao động khi vào TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai làm việc.

Ông Hà cho biết thêm, Đắk Lắk là địa phương đầu tiên tổ chức Đoàn công tác xuống các tỉnh phía Nam khảo sát nhu cầu việc làm cho lao động. Hành động này xuất phát từ mong muốn kết nối cho hàng nghìn lao động Đắk Lắk đang có nhu cầu quay lại Nam làm việc sau thời gian hồi hương về quê tránh dịch.

“Địa phương nào cũng rất cần lao động và nhiều người dân Đắk Lắk cũng muốn xuống làm việc. Tuy nhiên vì nhiều lý do khiến hai bên chưa gặp nhau như: Đắk Lắk đang vào mùa thu hoạch cà phê cũng cần số lượng nhân công lớn; thời điểm này đang gần đến Tết. Đặc biệt, người dân đang có tâm lý sợ dịch COVID-19. Sau đợt công tác này, tỉnh sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm ở một số địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động kết nối với nhau”, ông Hà thông tin.

Lãnh đạo Đắk Lắk vào Nam khảo sát, lo việc làm cho lao động sau hồi hương ảnh 1

Đoàn công tác Đắk Lắk làm việc với tỉnh Bình Dương

Ông Nguyễn Quang Thuân- Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh có khoảng 160.000 người trở về địa phương do dịch COVID-19, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh phía Nam.

Hiện người dân cũng chủ động trở lại Nam làm việc, nhưng vẫn còn rất lớn lao động chưa thể đi vì nhiều lý do như đã nói trên.

Ngoài ra, theo ông Thuân còn có trở ngại khiến nhiều lao động chưa thể “Nam tiến” là nhiều trường mầm non chưa mở cửa trở lại.

Để thu hút lao động, các tỉnh đều có chính sách hỗ trợ tiêm vắc xin, xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Một số địa phương còn có các chính sách hỗ trợ tiền nhà ở trong tháng đầu, hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ cho lao động trong tháng đầu. Dẫu vậy, có nơi đã hết chính sách ưu đãi nên đoàn công tác đã kiến nghị các địa phương tiếp tục kéo dài, tạo thuận lợi cho người lao động.

Ông Thuân thông tin thêm, tuần tới sẽ có doanh nghiệp trực tiếp lên Đắk Lắk tuyển dụng. Tùy vào tình hình thực tế, sở sẽ tạo điều kiện bằng nhiều hình thức như: Mở sàn giao dịch việc làm trực tiếp tại Trung tâm dịch vụ việc làm và tăng tần suất hoạt động; mở một số buổi giao dịch việc làm tại những địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 (đang ở cấp độ 1, cấp độ 2); thông qua kênh giới thiệu việc làm trực tuyến (Zalo, Facebook…).

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.