Vì sao Đắk Lắk chậm chi trả gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng?

0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp
Người dân đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp
TPO - "Lúc khó khăn dịch bệnh này người dân mới cần số tiền hỗ trợ, mới đúng tinh thần, nhân văn...”, ông Nguyễn Quang Thuân- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đắk Lắk chia sẻ với Tiền Phong liên quan đến việc chậm chi trả gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68.

Chậm do đâu?

Ông Thuân cho biết, do Đắk Lắk đang trong vùng dịch phức tạp với nhiều ổ dịch, khu vực bị phong tỏa gây gián đoạn, chậm tiến độ giải quyết, chi trả chế độ hỗ trợ cho người dân. Chưa kể từ ngày 1/10 đến nay, Sở LĐ-TB&XH được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp đón, hỗ trợ gần 34.000 lao động tự phát về địa phương. Cán bộ ngành lao động từ sở xuống các huyện, thị trấn, thành phố dồn lực hỗ trợ công dân an toàn, chu đáo nhất.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk, trước đó, sở đã lập 7 đoàn công tác đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đúng, trúng đối tượng; sở cũng lập 3 đường dây nóng tiếp nhận, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến gói hỗ trợ.

Ông Thuân cũng cho rằng, một số quy định về xác nhận, chi trả chế độ cho người lao động chưa được hướng dẫn rõ ràng gây khó khăn cho việc giải quyết.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng thừa nhận một số đơn vị còn lơ là, chưa nhận thức hết ý nghĩa của gói hỗ trợ, năng lực một số cán bộ cơ sở còn hạn chế. “Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở ngành liên quan vào cuộc sát sao, giải quyết nhanh chế độ cho người lao động, doanh nghiệp gặp khó vì dịch COVID-19. Sở cũng đôn đốc anh em làm việc 200% sức lực, tranh thủ thứ Bảy, Chủ nhật, bằng nhiều cách để đưa tiền hỗ trợ đến tay người dân. Lúc khó khăn dịch bệnh này người dân mới cần số tiền hỗ trợ, mới đúng tinh thần, nhân văn khi Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ này”, ông Thuân nói.

Phê duyệt, chi trả chậm

Trước đó vào ngày 28/10, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm dẫn đầu Đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH, làm việc với tỉnh Đắk Lắk về công tác hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó do dịch COVID-19 (gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ). Ông Bình đánh giá, Đắk Lắk phê duyệt, chi trả chậm chế độ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Tính đến ngày 26/10, Đắk Lắk phê duyệt gần 3.000 người sử dụng lao động, hơn 54.000 người lao động được hỗ trợ với hơn 29 tỷ đồng, đã chi trả trên 21 tỷ đồng.

Một số nhóm chính sách phê duyệt nhiều song tỷ lệ chi trả thấp như: Nhóm lao động tự do, phê duyệt trên 9.400 người nhưng mới chi trả 35%; nhóm lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, đã xác nhận hơn 2.700 người, phê duyệt 357 người, chi trả 173 người; hơn 27.000 đối tượng (trẻ em và người dân F0, cách ly y tế) được hỗ trợ nhưng mới chi trả 194 người.

Một số nhóm chính sách có số lượng người, đơn vị thụ hưởng thấp như: Đã xác nhận 410 lao động ngừng việc không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng mới phê duyệt 3, chi trả 2 người; xác nhận 9 hộ kinh doanh (tổng số 6.000 hộ) bị ảnh hưởng nhưng chưa chi trả hộ nào. Về chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn, đã rà soát 1.858 doanh nghiệp, xác nhận 14 đơn vị, phê duyệt và giải ngân cho 8 đơn vị với hơn 1,7 tỷ đồng.

Đoàn kiểm tra của Bộ LĐTB&XH cũng làm việc với tỉnh Gia Lai. Ông Bình đánh giá cao việc tỉnh này linh hoạt, cách thức đa dạng, nhanh chóng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.

Cụ thể, Gia Lai đã thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.995 đơn vị, với trên 38 nghìn lao động, tổng số tiền hơn 11,5 tỷ đồng; 624 hộ kinh doanh được hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 7,7 nghìn lao động không có giao kết hợp đồng gần 12 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng tiền ăn đối với hơn 2,4 nghìn người F0 và cách ly y tế. Tỉnh cũng hỗ trợ hơn 200 tấn gạo cho gần 14 nghìn nhân khẩu bị thiếu đói vì dịch. Ngoài ra, tỉnh tổ chức đón 1.083 công dân có hoàn cảnh khó khăn về từ các tỉnh thành phía Nam. Đặc biệt, hơn 23 tỷ đồng vận động từ các cá nhân, đơn vị đã phân bổ kịp cho các công tác phòng chống dịch.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.