Đắk Lắk, Gia Lai lên phương án hỗ trợ hàng vạn lao động trở lại các tỉnh phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều lao động Đắk Lắk quay lại các tỉnh phía Nam làm việc
Nhiều lao động Đắk Lắk quay lại các tỉnh phía Nam làm việc
TPO - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn về việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trở lại các tỉnh phía Nam làm việc. Trong khi đó, tỉnh Gia Lai đã chi hỗ trợ 36 tỷ đồng đối với số lao động không có hợp đồng nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lập danh sách người lao động có nhu cầu đăng ký trở lại các tỉnh phía Nam làm việc (nêu rõ nơi đăng ký trở lại làm việc, đã tiêm hay chưa tiêm vắc-xin), gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trước ngày 20/11.

Phía Sở LĐ-TB&XH tỉnh được giao nhiệm vụ phối hợp Sở LĐ-TB&XH Bình Dương để tham mưu phương án phối hợp, hỗ trợ người dân tỉnh Đắk Lắk trở lại tỉnh bạn làm việc theo Kế hoạch số 5343 về việc phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại làm việc tại tỉnh Bình Dương. Hiện Đắk Lắk có 32.000 lao động về từ Bình Dương đợt vừa rồi.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác làm việc với các tỉnh phía Nam để có phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tỉnh Đắk Lắk trở lại làm việc.

Theo thống kê của ngành lao động Đắk Lắk, từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, có hơn 105.000 người từ các tỉnh phía Nam về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có hơn 100.000 lao động tự do.

Đến nay, Sở LĐ-TB&XH khảo sát được 42.000 người, trong đó, hơn một nửa (khoảng 22.000 người) muốn trở lại nơi làm cũ. Sở đã kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, phối hợp các tỉnh nơi công dân muốn quay lại làm việc để đảm bảo sự an toàn; phối hợp Liên đoàn lao động tỉnh bạn tạo ổn định về nơi ở, hỗ trợ an sinh cho người lao động.

Còn lại nhóm lao động muốn tìm việc tại địa phương; đi xuất khẩu lao động, hay muốn học nghề, vay vốn phát triển kinh tế... Sở LĐ-TB&XH đưa ra phương án giao Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk phối hợp các cơ sở đào tạo nghề tư nhân trên địa bàn để dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho phù hợp yêu cầu của nhà tuyển dụng; mở rộng kênh liên kết tìm việc làm phù hợp, hướng dẫn cụ thể các thủ tục cho người muốn xuất khẩu lao động.

Đắk Lắk, Gia Lai lên phương án hỗ trợ hàng vạn lao động trở lại các tỉnh phía Nam ảnh 1
Người lao động Đắk Lắk xoay xở tìm việc sau khi về quê vì dịch COVID-19

Ông Nguyễn Quang Thuân- Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết, tất cả các giải pháp đưa ra đều lấy người lao động làm trung tâm. Theo ông, hỗ trợ công dân quay lại nơi làm cũ là cấp bách bởi đây là nhu cầu của cả người dân và doanh nghiệp tuyển dụng. Về lâu dài, theo ông Thuân, Đắk Lắk cần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư vào tỉnh, khi dự án vận hành sẽ tạo ra nguồn việc làm lớn trên địa bàn.

Trong lúc chờ các phương án hỗ trợ việc làm, nhiều lao động Đắk Lắk đã xoay xở tìm việc làm tại chỗ hoặc chạy xe máy quay lại các tỉnh phía Nam làm việc, lo “nồi cơm” cho gia đình. Điều nhiều lao động lo lắng nhất là chưa hoặc tiêm chưa đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19.

Tại Gia Lai cũng có hơn 15.000 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về, trong đó 70% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành cho hay, tỉnh đã tổ chức đón 1.083 công dân hoàn cảnh khó khăn trở về từ các vùng dịch phía Nam, đồng thời đã chi hỗ trợ 36 tỷ đồng đối với số người lao động không có hợp đồng nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Ngoài ra, tỉnh này cũng đang chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ.

Đến nay, tỉnh này thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho gần 2.000 đơn vị với hơn 38.000 lao động, tổng số tiền hơn 11,5 tỷ đồng; 624 hộ kinh doanh được hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 7.700 lao động không có giao kết hợp đồng và hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng tiền ăn đối với hơn 2.400 người bị nhiễm COVID-19 và người phải thực hiện cách ly y tế; hơn 200 tấn gạo cho gần 14.000 khẩu bị thiếu đói do ảnh hưởng của dịch.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.