Vì sao số ca bệnh COVID-19 ở Đắk Lắk tăng cao?

0:00 / 0:00
0:00
Chốt phòng dịch COVID-19 ở đường Lê Hồng Phong, TP Buôn Ma Thuột
Chốt phòng dịch COVID-19 ở đường Lê Hồng Phong, TP Buôn Ma Thuột
TPO - Theo Sở Y tế Đắk Lắk, nguyên nhân số ca bệnh COVID-19 tăng cao là do nhiều người từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương không khai báo y tế; hoặc đã tiêm mũi 2, nhưng không tuân thủ biện pháp phòng dịch 5K. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ở tỉnh vẫn còn thấp.

Tỷ lệ phủ vắc xin còn thấp

Theo Sở Y tế Đắk Lắk, đến nay tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 toàn tỉnh còn thấp. Số lượng người đã tiêm mũi 1 chỉ chiếm 38,3%, tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 7,2%. Con số này nếu so với cả nước, tỷ lệ người dân được tiêm chủng vắc xin cực thấp. Nhà chức trách địa phương cho biết, ở tỉnh này có 23 ca tử vong đều chưa được tiêm chủng vắc xin. Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 gần 70%. Ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Nông cho biết, dự kiến trong tuần này, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ hoàn thành tiêm chủng mũi 1 và mũi 2 đạt khoảng 11%.

Vì sao số ca bệnh COVID-19 ở Đắk Lắk tăng cao? ảnh 1

Tháng 9 vừa qua, TP Buôn Ma Thuột thực hiện test nhanh kháng nguyên toàn dân để sàng lọc các F0 trong cộng đồng

Gần đây, tỉnh Đắk Lắk xuất hiện một số chuỗi lây nhiễm chưa được kiểm soát hết (trong đó có những ca lây nhiễm ở chợ đầu mối, nhân viên y tế); nhiều ổ dịch mới xuất hiện trong cộng đồng, số ca nặng, nguy kịch tăng nhanh, tỷ lệ tử vong tăng trong thời gian ngắn.

Theo thống kê, chỉ trong 14 ngày qua, tỉnh này ghi nhận 1.155 ca mắc mới, trong đó có 832 ca mắc phát hiện trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 72% ca mắc mới). Trong 7 ngày vừa qua, mỗi ngày trung bình từ 150-180 ca dương tính với SAR-CoV-2. Dự báo, số lượng ca mắc mới còn gia tăng trong thời gian tới. Điều này, cũng làm cho nhiều địa phương trong tỉnh từ vùng xanh kéo dài… chuyển sang vùng đỏ.

Vì sao số ca bệnh COVID-19 ở Đắk Lắk tăng cao? ảnh 2

Chốt phòng chống dịch COVID-19 ở phường Tân Hòa

“Nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng cao do nhiều công dân từ các tỉnh phía Nam trở về nhưng không khai báo y tế; một số người đã tiêm mũi 2 lại không tuân thủ biện pháp phòng dịch (5K). Tình trạng tụ tập sinh hoạt đông người vẫn còn diễn ra phổ biến. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm chủng toàn tỉnh còn thấp”, một lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho hay.

Bên cạnh đó, số lượng công dân trở về từ vùng dịch từ ngày 2/10 đến nay rất lớn. Ngành Y tế tỉnh đã phát hiện 225 trường hợp công dân vừa trở về dương tính (chiếm 35,2% số ca mắc mới toàn tỉnh).

Vì sao số ca bệnh COVID-19 ở Đắk Lắk tăng cao? ảnh 3

Khám sàng lọc đối với người dân ở TP Buôn Ma Thuột

Nói về giải pháp trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho biết đã đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh ngoài việc điều động nhân lực (các bác sỹ ở Bệnh viện Chợ Rẫy), tỉnh Đắk Lắk xin hỗ trợ thêm các trang thiết bị y tế (thuốc đặc trị COVID-19, xe cứu thương, máy lọc máu...), trong đó có cả vắc xin COVID-19 (khoảng 2.000.000 liều).

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 3.650 ca mắc COVID-19, trong đó 2.052 trường hợp đã khỏi bệnh, 24 người tử vong.

Siết chặt nhưng đảm bảo hoạt động sản xuất

Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng cho biết, đến nay thành phố vẫn còn duy trì các chốt phòng dịch COVID-19 và siết chặt nhiều hoạt động đông người. “Trước mắt, thành phố đang thực hiện siết chặt nhiều hoạt động đông người để truy vết, bóc tách hết các F0 trong cộng đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ không duy trì các chốt này và thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 128, vừa phòng dịch nhưng đảm bảo phát triển sản xuất”, ông Thượng chia sẻ.

Vì sao số ca bệnh COVID-19 ở Đắk Lắk tăng cao? ảnh 4

Quán hàng ở TP Buôn Ma Thuột tạm dừng phục vụ tại chỗ

Cụ thể, chính quyền thành phố tạm dừng các quán hàng phục vụ tại chỗ (chỉ bán mang về) và nhiều hoạt động đông người dễ lây nhiễm bệnh, như: vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc; hoạt động nghi lễ tôn giáo… Người dân được vào chợ khi đã tiêm xong 1 mũi vắc xin COVID-19 (14 ngày), hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2.

Vì sao số ca bệnh COVID-19 ở Đắk Lắk tăng cao? ảnh 5

Lực lượng Y tế TP Buôn Ma Thuột truy vết yếu tố dịch tễ liên quan đến các F0

Trong khi đó, ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, hiện tại bệnh viện vẫn còn đủ các trang thiết bị y tế để thực hiện công tác khám, chữa bệnh.

“Về lâu dài, nếu dịch bùng phát bệnh viện sẽ thiếu nghiêm trọng các loại thuốc đặc trị, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng. Tuần này, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ họp về vấn đề cung ứng cho bệnh viện các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh (theo công văn của Sở Y tế Đắk Lắk)”, ông Phong cho hay. Vị này cho biết thêm, bệnh viện đã khắc phục được tình trạng thiếu một số trang thiết bị y tế như găng tay cho y, bác sĩ do đã đấu thầu.

Tính tới nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã tiêm 502.896 liều trên tổng số 1.362.176 đối tượng đích (trên 18 tuổi), trong đó tiêm 1 mũi là 404.711 liều (đạt tỷ lệ là 29,71%) và tiêm đủ 2 mũi là 98.185 liều (đạt tỷ lệ là 7,21%); tổng số mũi vắc xin đã tiêm toàn tỉnh là 29,71%.

Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), trong đó có bác sĩ Trần Thanh Linh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đã lên đường đến hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk trong việc khảo sát các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị, khu cách ly; góp ý kịch bản cho toàn tỉnh trong việc phân tầng điều trị, điều phối bệnh nhân; tham gia các cuộc họp online, các cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Đắk Lắk; họp trực tuyến với lực lượng y tế…

MỚI - NÓNG