Làng trường thọ ở Huế

Cụ Nguyễn Thị Ðàm, 93 tuổi vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh.
Cụ Nguyễn Thị Ðàm, 93 tuổi vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh.
TP - Ăn thực phẩm cây nhà lá vườn; bảo vệ môi trường trong lành; lao động nhiều, giữ tinh thần sảng khoái được cho là bí kíp sống lâu của các bậc cao niên tại Khu vực 1, Phường Hương Long, Thành phố Huế, Tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Làng Trúc Lâm (nay là Khu vực 1, Phường Hương Long, Thành phố Huế) cách trung tâm thành phố khoảng sáu kilometre về hướng tây bắc. Thuộc địa giới hành chính của Thành phố Huế nhưng cảm nhận của chúng tôi khi vào làng là không khí trong lành, yên ả của thôn quê. Gọi Trúc Lâm vì xung quanh làng là những bụi tre, trúc san sát nhau. Dân trong vùng vẫn gọi ngôi làng này là làng trường thọ vì có nhiều cụ ông, cụ bà sống khỏe, sống thọ.

80 tuổi vẫn đi cuốc ruộng

“Trong làng những cụ ngoài 80 tuổi vẫn có thể ra đồng làm ruộng. Từ cắt lúa, làm cỏ cho đến cuốc đất, lên luống trồng rau”, ông Trần Luyến - Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi làng Trúc Lâm cho hay.

Bản thân ông Luyến năm nay 85 tuổi nhưng ông còn khỏe mạnh lắm. Ông Luyến vốn là giáo viên, về hưu ông nhận chức chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi Làng Trúc Lâm để giúp việc làng việc xóm. Ngoài ra ông còn chăm lo ruộng vườn. Nhìn ông cuốc chẳng ai giám nghĩ ông năm nay đã ở cái tuổi ngoại bát tuần.

Hay như ông Nguyễn Kính Khá 83 tuổi chưa đi viện lần nào. Ông Khá cũng là người đạp xe dẫn chúng tôi đến nhà các bậc cao niên trong làng. Theo ông Khá, dân ở đây gắn với nông nghiệp, làm ruộng, làm vườn “Thời trẻ một mình tui có thể gánh cả tạ trên vai. Bây giờ tuổi già sức có yếu hơn nhưng vẫn còn lao động tốt. Có lần, một mình tui bó hơn 200 gánh lúa. Thấy mình lớn tuổi còn gánh gồng, con cái ngăn không cho làm, nhưng tui không đồng ý. Dân lao động, còn sức khỏe phải làm. Tuy nhiên năm ngoái tui bị ngã nên con cháu kiên quyết không cho tui ra đồng. Tuy thế một mình tui vẫn chăm bẵm cho vườn chuối, vườn rau quanh nhà”, ông Nguyễn Kính Khá cho hay.

Làng trường thọ ở Huế ảnh 1 Ông Trần Luyến, 85 tuổi cuốc vườn như thanh niên.

Tứ lão bách niên

Ông Phan Văn Nhân, Tổ trưởng Tổ dân phố Khu vực 1 cho biết: “Tuy thuộc đất thành phố nhưng đời sống của dân làng còn nhiều khó khăn. Cả làng Trúc Lâm hiện có khoảng 600 gia đình với 2500 nhân khẩu. 80% dân số sống bằng nông nghiệp, 20% còn lại là các nghề tiểu thủ công nghiệp khác. Tuy thế, làng lại nổi tiếng vì có nhiều người sống thọ nhất vùng”

“Hiện trong làng có trên 300 người cao tuổi với mức tuổi trung bình từ 75 - 80. Căn cứ theo chứng minh thư nhân dân thì có khoảng 4 - 5 cụ trên 100 tuổi là cụ Nguyễn Thị Chút 117 tuổi; cụ Phan Hường 105 tuổi và cụ Trần Thị Bé 101 tuổi. Ngoài ra còn có 11 cụ tuổi trên 90”, Ông Trần Luyến cho hay.

Làng trường thọ ở Huế ảnh 2

84 tuổi ông Nguyễn Kính Kha đạp xe khắp làng.

Nói như cô Ðoàn Thị Hồng, 54 tuổi, con dâu của cụ Nguyễn Thị Ðàm 95 tuổi: “Mệ còn minh mẫn hơn chúng tôi”. Nói chuyện với chúng tôi, cụ Ðàm còn nhớ tất cả những kỉ niệm từ thời còn thanh niên. Thậm chí cụ còn nhớ cả những câu hò “Vay - Trả” mà thời trẻ cụ vẫn đối đáp với cánh trai làng khi đi cấy, đi cắt: “Em ở cao tầng chót vót, anh có muốn tìm em thì đi tới trước tiền đốn” (theo cụ Ðàm, trước tiền đồn tức là đứng dưới thang lầu - PV).

“Năm 34 tuổi tui bị trúng đạn xuyên thấu bụng, bị nhiễm trùng máu phải đi viện điều trị. Khỏi bệnh tui về vẫn đi cấy, đi cắt, kiếm củi như người khỏe mạnh. Từ nhỏ đến lớn tui rất ít khi đau ốm. Khi đau ốm, tui ít khi dùng thuốc tây mà chữa bằng các cây thuốc nam hoặc các mẹo chữa dân gian”, cụ Ðàm nhớ lại

Làng trường thọ ở Huế ảnh 3 Thôn quê, không khí trong lành nên dễ chịu hơn thành phố.
Sống thọ nhờ lao động & rau sạch

Bữa ăn của dân làng rất đạm bạc, chỉ là những rau, củ do nhà trồng được. Ðiều mà dân làng cho là bí kíp để sống lâu, sống khỏe là lao động chăm chỉ, để đầu óc thoải mái; hạn chế ăn thực phẩm độc hại và bảo vệ môi trường luôn trong lành.

Ông Nguyễn Kính Kha cho rằng: “Thôn quê, không khí trong lành nên dễ chịu hơn thành phố. Người làm nông đi làm về ăn uống no say và chẳng phải suy nghĩ bon chen gì nên sống khỏe. Theo tui, đó là lí do dân làng tui sống thọ hơn những làng khác trong vùng”.

“Năm 2008, dân số Tỉnh TT - Huế là 1. 154.584 người. Nam: 568.938; Nữ: 558.646. Trong đó nhóm tuổi từ 15 – 19 cao nhất với 143. 019 người, nhóm tuổi trên 85 thấp nhất với 10. 002 người. Nhóm tuổi từ 0 – 4 giảm mạnh chỉ 85.922 người. Năm 2008 dân số tỉnh TT - Huế tử vong là: 7.542. Trong đó, Nam: 3.540; Nữ: 4.002. Tuổi thọ trung bình của người TT. Huế năm 2008 là 75.18 tuổi. Trong đó tuổi thọ trung bình của nam là 74.10; nữ 76.06. So với tuổi thọ trung bình của Việt Nam và một số nước trong khu vực tuổi thọ của người TT - Huế cao hơn” – (Theo nghiên cứu tuổi thọ trung bình ở TT - Huế của tác giả Nguyễn Quang Hiền và Hoàng Thị Tâm)

Tuổi thực khác tuổi chứng minh thư

Năm 2012 các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt đưa tin về cụ bà Trần Thị Nguyệt, Làng Thủy Diện (Xã Phú Xuân, Phú Vang, Tỉnh TT. Huế) là người có tuổi thọ cao nhất Việt Nam với số tuổi là 120 tuổi. Ðầu năm 2015, phóng viên TTT về Làng Thủy Diện để tìm hiểu thì được biết cụ Nguyệt đã mất hơn năm. Theo ông trưởng làng Thủy Diện và dân làng, cụ Nguyệt đúng là người thọ nhất làng từ xưa đến nay. Tuy nhiên số tuổi thực của cụ khi mất chỉ là 103 tuổi. Còn số tuổi 120 chỉ là số tuổi căn cứ theo chứng minh thư nhân dân.

Trong bài chúng tôi có đề cập đến cụ bà Nguyễn Thị Chút, 117 tuổi. Tuy nhiên, số tuổi này là căn cứ theo năm sinh trên chứng minh thư nhân dân còn tuổi thực của cụ chỉ là 105 tuổi. “Khi làm lại chứng minh thư nhân dân nhiều cụ quên mất năm sinh nên khai bừa thành ra mới có chuyện tuổi chứng minh thư cao hơn tuổi thực. Ví dụ có cụ chỉ nhớ sinh năm Ngọ nhưng không nhớ rõ là Canh Ngọ hay Giáp Ngọ. Mỗi giáp như thế cách nhau cả hơn chục năm”, ông Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi Làng Trúc Lâm giải thích.

MỚI - NÓNG