Bí quyết sống thọ của hai chị em cao tuổi nhất Việt Nam

Hai chị em cao tuổi nhất Việt Nam là cụ Đinh Thị Xa (sinh năm 1913) và em là Đinh Thị Long (sinh năm 1921).
Hai chị em cao tuổi nhất Việt Nam là cụ Đinh Thị Xa (sinh năm 1913) và em là Đinh Thị Long (sinh năm 1921).
Thời gian vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam liên tục công nhận danh hiệu cho người cao tuổi: cặp chị em cao tuổi nhất; cụ ông, cụ bà cao tuổi nhất; cặp vợ chồng cao tuổi nhất. Điều này gieo hy vọng cho nhiều người và đặt ra câu hỏi: sống thọ do gen hay do ăn sung mặc sướng?

Không những sống lâu mà còn sống khỏe

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa xác lập kỷ lục cho hai chị em cao tuổi nhất Việt Nam là cụ Đinh Thị Xa (sinh năm 1913) – 101 tuổi và em là cụ Đinh Thị Long (sinh năm 1921) – 93 tuổi quê ở Hải Dương. Hiện hai cụ sống tại khu phố 5, phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà, Đồng Nai. Đặc biệt hơn, hai cụ sinh ra trong một gia đình thọ có 7 chị em, các anh chị em của hai cụ đều trên 90 tuổi.

Trước đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập cụ Nguyễn Thị Trù (121 tuổi, sống tại TP.HCM) là cụ bà cao tuổi nhất. Cụ ông Y’N Dông, 116 tuổi, sống tại Bon Jâng, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) là cụ ông cao tuổi nhất. Còn cụ ông Trương Triêm (104 tuổi) và cụ bà Trần Thị Cháu (106 tuổi, trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) được xác lập là cặp vợ chồng sống thọ nhất.

Ở Việt Nam có những ngôi làng trường thọ như làng Đại Bình, Nông Sơn, Quảng Nam, có 1.208 nhân khẩu thì có tới hơn 300 người thuộc hàng lão, trong đó 79 cụ trên 90 tuổi. Nằm cách thành phố Phủ Lý gần 30km về phía Bắc, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam không chỉ nổi tiếng với làng ươm tơ Từ Đài mà còn được biết đến là “xã trường thọ” nhất vùng đồng bằng chiêm trũng Hà Nam. Theo thống kê của Hội Người cao tuổi xã Chuyên Ngoại, hiện xã có 1.381 cụ thuộc Hội, trong đó có đến 577 cụ ở độ tuổi 80 - 99 và có 4 cụ trên 100 tuổi, còn lại là các cụ dưới tuổi 79.

Không những sống lâu mà còn sống khỏe là điều có thể thấy ở tất cả những cụ ông, cụ bà cao tuổi người Việt Nam. Cụ Nguyễn Thị Quyền (sinh năm 1914) ở xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, Hà Nam năm nay 101 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Cụ Quyền thuộc hết mặt chữ Hán và chữ Nôm nên vẫn đọc Truyện Kiều bằng chữ Nôm vanh vách khiến ai cũng nể phục. Hàng ngày cụ Quyền tự vệ sinh cá nhân, giặt giũ quần áo và cụ xem đó là một cách để rèn luyện sức khỏe.

Cụ ông Trương Triêm, người chồng của cặp vợ chồng sống thọ nhất Việt Nam, ở tuổi 104 nhưng phong thái và trí nhớ của cụ khiến làng xóm phải thán phục. Thi thoảng, cụ vẫn kể lại cho mấy đứa cháu và lũ trẻ trong xóm về những trò chơi thú vị chỉ ngày xưa mới có, hoặc chuyện về thời chiến tranh ác liệt. Hàng ngày cụ chống gậy đi loanh quanh trong sân nhà vì theo cụ: “Ngồi mãi một nơi thì chán lắm”…

Lao động – “bí kíp” tăng tuổi thọ

Người trẻ giờ đây hay có câu cảm thán: “Mình sao sống thọ bằng các cụ!”. Cũng phải thôi, vì thực phẩm, không khí, môi trường sống đang bị ô nhiễm quá nhiều bởi hóa chất độc hại. Thế nhưng, bên cạnh đó, lối sống cũng đóng góp phần quan trọng trong việc sống lâu, sống khỏe.

Cách đây không lâu, một diễn đàn phỏng vấn 17 cụ cao tuổi sống tròn một thế kỷ trở lên về bí quyết trường thọ. Các cụ đều cho biết có thói quen buổi sáng dậy sớm, tối ngủ sớm, ăn uống ít, luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan. Như cụ Lại Văn Kiều và cụ Nguyễn Văn Hữu (100 tuổi): “Sống lâu và khỏe mạnh là nhờ hàng ngày dậy sớm tập võ”. Cụ Võ Văn Ba (101 tuổi): “Minh mẫn, có sức khỏe tốt nhờ thường xuyên đọc sách và đi bộ”.

Cụ bà Trần Thị Hơn (100 tuổi): “Luôn sống vô tư, yêu đời”. Cụ ông Nguyễn Văn Tứ (104 tuổi): “Xem lao động là niềm vui trong cuộc sống”. Cụ bà Nguyễn Thị Năm (101 tuổi): “Luôn giữ cho tâm hồn thanh thản”. Cụ bà Phan Thị Buông (104 tuổi): “Tìm niềm vui trong công việc từ thiện”...

Hai chị em cao tuổi nhất Việt Nam Đinh Thị Xa và Đinh Thị Long chia sẻ, bí quyết trường thọ là do hai cụ có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ. Đa số cư dân ở làng Đại Bình, Nông Sơn, Quảng Nam đều làm nghề nông. Vì vậy, khẩu phần ăn hàng ngày của họ chủ yếu là thực vật. Có lẽ yếu tố thực phẩm cũng phần nào giúp kéo dài tuổi thọ của những cụ già cao tuổi ở nơi đây. Đặc biệt, có nhiều cụ dù đã ở tuổi gần đất xa trời nhưng hàng ngày vẫn rèn luyện sức khỏe bằng cách xách nước tưới rau, trồng hoa màu theo vụ mùa.

Về “bí quyết sống lâu trăm tuổi” của người dân địa phương, ông Phạm Văn Đình - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chuyên Ngoại cho biết: “Người dân quê tôi vốn thuần nông, quanh năm nghèo đói, quen lao động mà chỉ có lao động thì mới có sức khỏe dẻo dai”.

Theo Minh Trung

Theo Pháp Luật TPHCM
MỚI - NÓNG