Lãng phí lớn nhất

Lãng phí lớn nhất
TP - Cử nhân phải giấu bằng đỏ đi học nghề để làm công nhân vì không xin được việc. Đi học thạc sĩ, tiến sĩ cũng chỉ vì chưa tìm được việc làm phù hợp. Hàng trăm ngàn cử nhân ra trường đang thất nghiệp trên cả nước.

Đó là thực trạng đáng báo động cho nguồn nhân lực được gọi là “chất lượng cao” của nước nhà.

Thế nhưng, thay vì phải ngay lập tức giảm quy mô đào tạo phù hợp thì sau 4 năm (từ năm học 2010-2011 đến 2014-2015), quy mô sinh viên ĐH lại tăng thêm ngót nửa triệu người. Điều đáng nói số lượng tăng thêm này lại chủ yếu rơi vào các trường “chiếu dưới”, chẳng hạn như ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chỉ trong vòng một năm đã tăng gần gấp đôi, từ 19,7 nghìn lên 34,2 nghìn sinh viên. Điều đáng nói, các trường chất lượng cao không thấy tăng quy mô đào tạo mà chỉ thấy tăng ở những trường có đầu vào bằng hoặc dưới “điểm sàn”, thậm chí xét học bạ. Diễn biến theo chiều hướng đáng lo ngại này có thể nhìn thấy trước một điều : Số lượng cử nhân thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng, bởi đã thừa về số lượng mà chất lượng lại yếu.

Một khi đào tạo đại học vẫn tiếp tục được “tháo khoán”, nhất là khối các trường ĐH dân lập, một khi nhiều trường đua nhau tuyển sinh vì mục tiêu kinh tế như hiện nay, hệ lụy gây ra cho xã hội là khôn lường. Bởi sản phẩm của các trường ĐH không phải hàng hóa, dịch vụ đơn thuần mà chính là con người, là nguồn nhân lực cho đất nước thời cạnh tranh, hội nhập toàn cầu. Sự lãng phí cả thời gian và tiền bạc của tuổi trẻ, của mỗi cá nhân và gia đình sẽ là rất lớn. Những hệ lụy xã hội nảy sinh từ câu chuyện thất nghiệp đồng nghĩa với thất vọng, hụt hẫng của những cử nhân phải đi làm công nhân khó mà kể xiết. Nếu quy mô đào tạo ĐH cứ tiếp tục phình ra trong khi chất lượng không được cải thiện, cái giá lớn nhất phải trả chính là sức cạnh tranh của cả quốc gia bị sụt giảm, nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình sẽ ngày càng hiển hiện.

Suy cho cùng, sự lãng phí lớn nhất của một dân tộc, một quốc gia chính là lãng phí nguồn nhân lực.

MỚI - NÓNG