Câu hỏi đó vang lên trong từng mái nhà có ông cử, bà cử, vọng đến nhiều hội nghị bàn về việc làm và bức xúc ngay trên diễn đàn Quốc hội từ mấy năm nay.
Có nhiều cuộc hội thảo, khoa học hẳn hoi nhằm kiến giải, cắt nghĩa trước hiện tượng được cho là lạ lùng này và người ta đã phân tích, mổ xẻ như kiểu chụp cắt lớp trong ngành y để tìm căn nguyên, và một loạt nguyên nhân được liệt kê. Trước hệ thống “nhân quả” đó, có chuyên gia giáo dục hài hước rằng, bệnh trọng rồi, khó có thuốc đặc trị mà cần Đông Tây y kết hợp may ra bệnh mới thuyên giảm. Còn khỏi hẳn thì e rằng cần thời gian… rất dài và rất xa…
Những con số trên 225 ngàn người, chiếm 20% số người có bằng cử nhân, thạc sĩ không có việc làm hay số các cử nhân thạc sĩ thất nghiệp cao gấp 7 lần các đối tượng khác…thực sự nhức nhối. Người ta hội chẩn, bốc bệnh với những là: Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất nghiệp là thuộc về mỗi cử nhân, thạc sĩ không chịu tự thân vận động, trau dồi đầy đủ năng lực bao gồm: kiến thức, kỹ năng, thái độ để phục vụ công việc sau khi ra trường.
Nhiều sinh viên mới ra trường nhưng có quan niệm làm quan chứ không chịu làm lính, không bắt đầu với những công việc nhỏ nhất rồi phát triển từ từ. Ngược lại, họ đòi hỏi phải có công việc tốt, lương cao nhưng tất cả không biết mình đang ở đâu, đứng vị trí nào trong xã hội. Thứ nữa là các cơ sở đào tạo không đến nơi đến chốn dẫn đến sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của thị trường như không có năng lực, khiến nhiều doanh nghiệp cần tuyển người nhưng không tuyển được. Tâm lý sính bằng cấp vẫn phổ biến. Người lao động lựa chọn những trường cao đẳng, đại học với ngành nghề “sang trọng” để học thay vì những trường trung cấp, cao đẳng nghề... Hay là, việc phân luồng trong quá trình tuyển sinh chưa dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. Rồi, chúng ta đã quá nệ vào nền hiếu học lạc hậu, nhà nhà có cử nhân, làng làng phải có ông sau đại học. Thế nên, một cuộc đua vô tiền khoáng hậu, để rồi ra đường là đụng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ…thất nghiệp. Và, điệp khúc, tỷ lệ lao động trình độ đại học thất nghiệp tăng là do quy mô tuyển sinh đại học quá cao so với nhu cầu lao động. Điều dễ nhận thấy là nền giáo dục của ta đi ngược so với thế giới vì hiện tại, ngành giáo dục chỉ kiểm soát đầu vào nhưng đầu ra thì...xã hội tự kiểm soát.
Ngồn ngộn những nguyên nhân được liệt kê ra đấy, để rồi tình hình không được cải thiện mà ngược lại còn xấu đi. Vấn đề dư luận dễ nhìn thấy là, các ngành liên quan có vẻ bận “soi” đối tượng, hoặc ngành khác mà quên mất trách nhiệm của ngành mình. Việc ngồi lại để cùng hội chẩn hiện tượng bất thường này xem ra cũng thiếu một hướng nhìn tích cực. Trong một hội nghị liên quan đến người lao động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra vấn đề: Ngay bây giờ, bao nhiêu người học đại học ra không có việc làm? Việc này cần phải giải quyết triệt để. Vì suy cho cùng, đó là tiền, nguồn lực của đất nước đang bị lãng phí…