Hà Nội không chỉ sở hữu những di sản và điểm đến nổi bật như Hoàng thành Thăng Long,Văn Miếu-Quốc Tử Giám, mà còn hấp dẫn du khách với khu phố cổ sống động chứa đựng những giá trị văn hóa lịch sử tích tụ hàng nghìn năm qua từng nếp nhà, đời sống của người dân. Dễ nhận thấy những năm qua, bộ mặt phố cổ không chỉ đẹp hơn trong mắt du khách ở những đổi thay bề ngoài của những ngôi nhà cổ, di tích được chỉnh trang đồng bộ hơn, mà điều làm nên sức hút chính là ở những hoạt động văn hóa tâm huyết và chỉn chu.
Ban quản lý Phố cổ Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ do UBND quận Hoàn Kiếm giao trong việc tăng cường tuyên truyền giá trị của di sản, nâng cao nhận thức của người dân để bảo tồn di sản và không ngừng sáng tạo hoạt động để phát huy giá trị. Di sản phố cổ thực sự nhận được sự quan tâm của nhân dân, du khách và giới truyền thông. Trong buổi gặp gỡ với các không gian sáng tạo do Bộ VHTTDL tổ chức, một số nhà tổ chức ngưỡng mộ BQL phố cổ Hà Nội vì đã dần tạo ra không gian văn hóa sáng tạo khổng lồ trong lòng phố cổ Hà Nội.
Mỗi dịp lễ tết, ngày kỷ niệm đặc biệt của Thủ đô và của cả đất nước, không gian phố cổ Hà Nội luôn là địa chỉ thu hút người dân và du khách. Đó là chuỗi hoạt động Nét xuân xưa vào dịp Tết Nguyên đán diễn ra tại không gian bích họa - nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng, gắn với chợ hoa Tết truyền thống Hàng Lược. Ngày tết Độc lập 30/4, du khách thưởng thức Tinh hoa nghề Việt là hoạt động trưng bày giới thiệu nghề làm giấy Dó truyền thống tại đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc. Không khí trung thu ngập tràn gắn với khu bích họa Phùng Hưng gắn với khu vực Hàng Lược, Hàng Mã. Đặc biệt là sáng tạo của BQL Phố cổ Hà Nội khi làm sống dậy không khí giải phóng Thủ đô nhân kỷ niệm 65 năm ngày tiếp quản Thủ đô 10/10.
Không chỉ dừng lại ở đó, người dân và du khách dần quen với địa chỉ di sản Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ. Ban quản lý phối hợp với các cá nhân, tổ chức trong nước và Quốc tế tổ chức 10 cuộc triển lãm, hai giải cờ vua, một cuộc hội thảo quốc tế, 11 hội thảo - tọa đàm trong nước và nhiều chương trình biểu diễn giới thiệu văn hóa nghệ thuật, tiêu biểu là hoạt động biểu diễn âm nhạc truyền thống định kì của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc. Tại tuyến phố đi bộ mở rộng, BQL tổ chức 344 buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống và đương đại trong đó 214 buổi biểu diễn là xã hội hóa. Bên cạnh đó, BQL tích cực hợp tác quốc tế trong cá dự án nghiên cứu chỉnh trang không gian công cộng, biệt thự cổ.
Không chỉ lan tỏa giá trị qua chuỗi hoạt động văn hóa, BQL phố cổ Hà Nội luôn chú trọng công tác quản lý Quy hoạch - Kiến trúc và Nghiên cứu khoa học. Đại diện BQL Phố cổ Hà Nội cho biết thường xuyên quan tâm chỉ đạo phòng Quy hoạch kiến trúc và nghiên cứu khoa học tích cực tham gia ý kiến bằng văn bản về quy hoạch kiến trúc đối với các dự án, công trình, nhà ở cải tạo, xây dựng trong phạm vi 10 phường thuộc khu Phố cổ Hà Nội. Có thể kể tới dự án nổi bật như “Xây dựng không gian Văn hóa, Thương mại, Dịch vụ, Du lịch khu vực 131 vòm cầu đá đoạn từ phố Cửa Đông đến ga Long Biên”. Nhiều chuyên gia văn hóa đánh giá, khu vực 131 vòm cầu đường sắt trong tương lai trở thành không gian đi bộ, không gian sáng tạo mới và đặc sắc của Hà Nội.
TĂNG SỨC HÚT CHO KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI
Phát huy thành tựu trong năm qua, đại diện BQL phố cổ Hà Nội cho biết năm 2020 tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm túc Năm kỷ cương hành chính theo chỉ đạo của Thành phố và UBND quận Hoàn Kiếm. Sau khi Hà Nội được ghi danh vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, BQL phố cổ Hà Nội chủ trương tăng cường phối hợp với các đơn vị biểu diễn nghệ thuật duy trì tổ chức hoạt động biểu diễn âm nhạc đường phố và âm nhạc truyền thống tại tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu vực bảo tồn cấp I khu Phố cổ Hà Nội và không gian nghệ thuật, bích họa Phùng Hưng... nhằm đưa phố cổ trở thành không gian văn hóa sáng tạo nổi bật của Hà Nội.