Ngân hàng BIDVtăng lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến ở kỳ hạn dài. Cụ thể, lãi suất huy động tiền gửi online tại BIDV tăng thêm 0,1%/năm đối với kỳ hạn 24-36 tháng. Hiệnlãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn này ở mức 4,9%/năm.
Lãi suất huy động của ngân hàng tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. |
Với việc điều chỉnh lãi suất trên, BIDV tiếp tục là ngân hàng trả lãi suất cao thứ hai trong nhóm Big4. Hiện, VietinBank vẫn là ngân hàng trả lãi suất cao nhất lên đến 5%/năm cho tiền gửi trực tuyến, trong khi Vietcombank và Agribank niêm yết mức lãi suất cao nhất ở mức 4,7%/năm.
Hôm nay, ABBank chính thức tăng lãi suất huy động lên 6,2%/năm đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng. Trước đó, ngân hàng này đã duy trì mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất nhì thị trường (6%/năm). Hiện mức lãi suất mới 6,2%/năm đã là mức lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay theo công bố.
ABBank cũng tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng lên 4,1%/năm.
Như vậy, từ đầu tháng 7 đến nay có 15 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, gồm: NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank, KienLong Bank, VPBank, PVCombank, PGBank, Sacombank và BIDV.
Trong nghiên cứu mới công bố, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, từ đầu quý II năm nay, mặt bằng lãi suất VND bắt đầu tăng và đến giữa năm, mức lãi suất huy động VND từ các ngân hàng đã tăng khoảng 0,5-1%/năm cho các kỳ hạn khác nhau.
Theo chuyên gia từ Ngân hàng UOB Việt Nam, các mức lãi suất thương mại đã ở mức rất thấp trong 6 tháng cuối năm 2023 do nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu vốn từ nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tín dụng hệ thống ngân hàng tăng hạn chế, các kênh đầu tư khác cũng gặp khó khăn không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.
"Tuy nhiên, từ quý II/2024 tình hình kinh tế đã có những bước cải thiện rõ rệt, và do vậy mặt bằng lãi suất sẽ tìm đến điểm cân bằng mới", nhóm chuyên gia Ngân hàng UOB Việt Nam cho hay.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động đến từ việc thiếu hụt thanh khoản trên thị trường do những động thái can thiệp ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, các chuyên gia dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 0,7-1%/năm từ nay cho tới cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy COVID-19 giai đoạn 2020-2021 do áp lực từ tỷ giá và cầu tín dụng hồi phục.
Bên cạnh đó, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định mặt bằng lãi suất huy động trong quý III sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,3-0,5 %. Đồng thời, áp lực tăng có thể gia tăng trong quý IV và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên 0,5-1%.
Trong báo cáo chiến lược tháng 7 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt nhận định, lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất. VDSC ước tính mức tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,5-1% trong nửa cuối năm nay.