VNG thay tổng giám đốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Kelly Wong - Phó Tổng Giám đốc VNG - được bổ nhiệm vào vị trí quyền Tổng Giám đốc VNG. Trước đó, Tổng Giám đốc VNG là ông Lê Hồng Minh, ông Minh là "cha đẻ" của VNG.

Sáng nay (7/9), Công ty CP VNG (mã chứng khoán: VNZ) phát đi thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao.

Theo đó, ông Kelly Wong - Phó Tổng Giám đốc VNG - được bổ nhiệm vào vị trí quyền Tổng Giám đốc VNG.

Ban giám đốc VNG khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ông Kelly Wong trên cương vị mới, đảm bảo các hoạt động của công ty tiếp tục vận hành ổn định và hiệu quả.

Theo giới thiệu, ông Kelly Wong là Phó Tổng Giám đốc Khối trò chơi trực tuyến tại VNG. Ông có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều mảng kinh doanh khác nhau tại Việt Nam, từng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch điều hành Red Wok Investment (RWI), Giám đốc điều hành khối tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty CP Chứng khoán TPHCM (mã chứng khoán: HSC).

Trước đó, báo cáo quản trị bán niên năm 2024 của VNG cho biết Tổng Giám đốc VNG là ông Lê Hồng Minh. Hồi đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG

Ông Lê Hồng Minh, sinh năm 1977 tại Hà Nội. Ông từng theo học chuyên ngành tài chính ngân hàng tại Đại học Monash (Australia). Năm 2001, ông Lê Hồng Minh quyết định trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp với công việc đầu tiên là nhân viên tín dụng tại Công ty Vina Capital.

Năm 2003, ông Minh cùng một vài người bạn quyết định thành lập một quán game với một vài dịch vụ đi kèm. Năm 2004, ông Lê Hồng Minh và cộng sự thành lập nên Công ty CP Vinagame và đến năm 2009 đổi tên Vinagame thành Công ty CP VNG như hiện tại.

VNG thay tổng giám đốc ảnh 1

Công ty CP VNG có thay đổi nhân sự cấp cao.

Ông Minh là nhà sáng lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNG từ năm 2004, là một trong những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, trong thông cáo phát đi sáng 7/9, VNG không đề cập đến vai trò hiện tại của ông Minh.

Theo VNG, các hoạt động kinh doanh và vận hành hiện vẫn diễn ra bình thường. “Công ty đang tích cực hợp tác và tuân thủ mọi yêu cầu từ cơ quan chức năng. VNG cam kết sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo ổn định mọi hoạt động kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tác, cổ đông và các bên liên quan”, thông cáo của VNG nêu.

Ở phiên giao dịch ngày 6/9, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG có thời điểm bị bán mạnh xuống giá sàn, đóng cửa giảm 6,8% xuống 480.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản cũng ở mức kỷ lục với 15.100 cổ phiếu sang tay. Trước đó, VNZ thường xuyên giao dịch chỉ vài trăm cổ phiếu/phiên.

VNG được biết đến là một “kỳ lân công nghệ” của Việt Nam và là một trong những nhà phát hành sản phẩm công nghệ trực tuyến hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Công ty thành lập năm 2004 và hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi trực tuyến.

Hiện tại, VNG vẫn là đơn vị kinh doanh trò chơi điện tử, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng lớn ở Việt Nam. Đơn vị này nổi tiếng được biết đến khi phát hành các tựa game nổi tiếng một thời như: Võ lâm truyền kỳ, kiếm thế...

VNG còn là chủ nền tảng Zalo - ứng dụng nhắn tin, gọi điện phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay; ứng dụng ví điện tử ZaloPay, đồng thời lấn sân sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tính đến hết tháng 6 năm nay, Zalo có 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) và 1,9 tỷ tin nhắn gửi đi mỗi ngày.

VNG hiện có vốn điều lệ 358,4 tỷ đồng. Trong đó, VNG Ltd là cổ đông chính - nắm 49% vốn điều lệ. Công ty CP Công nghệ BIGV nắm 17,84% vốn; ông Lê Hồng Minh nắm 8,846% vốn…

Nửa đầu năm vừa qua, VNG đạt doanh thu thuần 4.314 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, VNG báo lỗ sau thuế 585,7 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 11 liên tục của công ty này.

Tại thời điểm 30/6, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền của VNG có giá trị khoảng 3.340 tỷ đồng, giảm gần 500 tỷ đồng so với cuối năm 2023, nguyên nhân chủ yếu đến từ tiền gửi ngân hàng. Nợ phải trả của VNG đang ở mức 8.445 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG