Sau 2 phiên liên tiếp điều chỉnh, VN-Index hôm nay (6/9) đã lấy lại đà tăng, đóng cửa ở mức 1.273 điểm. Nhóm VN30 đóng vai trò quan trọng giúp chỉ số chính hồi phục, với 22/30 cổ phiếu trong rổ này tăng giá. Lần lượt BID, MSN, CTG, GVR, HPG, FPT… là những mã giao dịch tích cực nhất.
Nhóm VN30 đóng vai trò quan trọng giúp chỉ số chính hồi phục. |
Sau những phiên chịu ảnh hưởng từ đà giảm của cổ phiếu toàn cầu, FPT trở lại sắc xanh, đóng cửa tăng 1,15%, đồng thời là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất hôm nay (199 tỷ đồng). Giao dịch đột biến tại FPT cũng làm đảo chiều xu hướng bán ròng gần đây của khối ngoại.
Các bluechip ủng hộ cho thị trường đi lên. Nhóm ngân hàng ghi nhận sắc xanh áp đảo. Cổ phiếu bất động sản “tiếp sức” cho VN-Index với các trụ cột như VHM, VRE tiếp tục tăng giá.
Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số chính vẫn phụ thuộc vào một số cổ phiếu trong bối cảnh dòng tiền thận trọng. Trên HoSE, số lượng cổ phiếu giảm giá lấn át với 212 mã. Dù phiên chiều ghi nhận khởi sắc, nhưng chỉ 7.000 tỷ đồng được rót vào HoSE, thấp hơn đáng kể phiên trước đó.
Diễn biến đáng chú ý hôm nay xuất hiện tại cổ phiếu thị giá cao nhất sàn chứng khoán, là VNZ của Công ty CP VNG. Có thời điểm, VNZ bị bán mạnh xuống giá sàn, đóng cửa giảm 6,8% xuống 480.000 đồng/đơn vị.
Thanh khoản cũng ở mức kỷ lục với 15.100 cổ phiếu sang tay. Trước đó, VNZ thường xuyên giao dịch chỉ vài trăm cổ phiếu/phiên.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa thông báo bổ sung phiếu CMX của Công ty CP Camimex Group vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 (là số âm).
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, danh sách chứng khoán bị cắt margin trên HoSE đã tăng lên 96 mã.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,75 điểm (0,45%) lên 1.273,96 điểm. HNX-Index giảm 0,31 điểm (0,13%) xuống 234,65 điểm. UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (0,11%) xuống 93,37 điểm.
Thanh khoản sụt giảm, giá trị khớp lệnh HoSE chỉ hơn 12.216 tỷ đồng. Khối ngoại gây chú ý với việc mua ròng trở lại 251 tỷ đồng, tập trung vào FPT, CTG, VNM…