Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối nghiên cứu khách hàng cá nhân, Chứng khoán Yuanta - nhận định, tỷ giá hạ nhiệt là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường trong thời gian tới. Trước đó, việc tỷ giá tăng đã tác động nhất định lên thị trường, ảnh hưởng mạnh tới dòng vốn ngoại.
“Giai đoạn tháng 3, tháng 6 và tháng 7, tỷ giá lên cao, mỗi phiên thời điểm đó khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với việc tỷ giá về dưới 25.000 đồng như hiện nay, lượng bán ròng của khối ngoại đã giảm nhiều. Rủi ro về tỷ giá giảm đáng kể so với thời điểm trước, trong những lần VN-Index chinh phục mốc 1.300 điểm”, ông Minh nhận định.
Diễn biến tỷ giá thời gian qua. Dữ liệu: BSC. |
Ông Minh điểm lại, năm nay thị trường đã 2 lần vượt mốc 1.300 điểm. Sau kỳ nghỉ lễ, thị trường có nhiều điều kiện thuận lợi để VN-Index trở lại đỉnh cũ. Trong đó, sự trở lại của nhóm bất động sản là yếu tố đáng lưu ý.
“Trong tháng 3, tháng 6, giá cổ phiếu nhóm này đi xuống gây ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường chung. Tuy nhiên, giai đoạn hiện tại, chỉ số đại diện cho nhóm bất động sản đã qua đường trung bình 100 ngày cho thấy xu hướng trung hạn tích cực hơn, kỳ vọng không "gây hại" thị trường như trước.
Điều chỉnh của một số mã như DIG chỉ mang tính chất ngắn hạn, do câu chuyện riêng của doanh nghiệp chứ không đại diện cả ngành. Ba luật về bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8 cũng kỳ vọng tác động tích cực hơn đến thị trường, doanh nghiệp”, chuyên gia của Yuanta phân tích.
Bên cạnh cổ phiếu bất động sản, theo ông Minh, thị trường còn có thể kỳ vọng vào nhóm ngân hàng và chứng khoán, với P/B (chỉ số đo lường giá cổ phiếu so với giá trị của công ty theo sổ sách) đang dưới 2, khá hấp dẫn so với cùng thời điểm trước đó VN-Index tiếp cận mốc 1.300 điểm.
Nhận định về tỷ giá, chuyên gia của Chứng khoán VNDirect cho rằng, áp lực có xu hướng hạ nhiệt trong giai đoạn cuối năm với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9/2024, khiến đồng USD suy yếu, cùng thặng dư thương mại tích cực, dòng vốn FDI và du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Thực tế, trong vòng một tháng trở lại đây, tỷ giá USD/VND đã giảm khá mạnh, hiện tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã về dưới mức 25.000 đồng/USD, giảm mạnh so với vùng đỉnh trước đó quanh 25.470 đồng/USD.
Từ nay tới cuối năm, VNDirect cho rằng tỷ giá sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm: Fed bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất; áp lực lạm phát trong nước dự báo hạ nhiệt từ nửa cuối quý III; nguồn cung ngoại tệ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI giải ngân vào Việt Nam tăng trưởng tích cực, thặng dư thương mại duy trì ở mức cao và lượng kiều hối đổ về trong giai đoạn quý IV tới.
Nhóm phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, với việc áp lực tỷ giá dự báo hạ nhiệt khi Fed tiến hành cắt giảm lãi suất, tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm của nhiều doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nhờ chi phí lãi vay giảm, giảm lỗ tỷ giá, tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý, đi kèm theo đó là mức nền thấp của quý III/2023.