Vì sao Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp?

TPO - Vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.

Có cơ chế đặc thù

Ngày 6/9, Ngân hàng UOB tổ chức Hội nghị khu vực thường niên “Gateway to ASEAN - Cửa ngõ vào ASEAN” năm 2024. Đây là năm đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam, thu hút sự tham gia của 600 đại biểu là các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác thương mại từ các nước ASEAN, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) cùng đại diện các cơ quan ban ngành của Việt Nam.

Với chủ đề “ASEAN - cửa ngõ hội nhập kinh tế thế giới”, hội nghị đã tập trung thảo luận về tiềm năng to lớn của khu vực ASEAN, các động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của khu vực thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, đổi mới trong phát triển bền vững và quản lý chuỗi cung ứng.

Vì sao Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp? ảnh 1

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - chia sẻ tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng luôn theo đuổi xu hướng hòa bình, hữu nghị và hội nhập cùng phát triển với các đối tác. Khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được khẳng định là khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu hiện nay và tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, Việt Nam cũng như TPHCM đang nỗ lực bắt kịp các xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế xanh... Với vai trò và vị thế của mình, TPHCM luôn sẵn sàng hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác đến đầu tư, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây.

"TPHCM được thừa hưởng một cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hơn so với mặt bằng thể chế của cả nước. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên", ông Mãi nói.

Các lĩnh vực gồm xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, năng lượng sạch, công nghệ mạch tích hợp bán dẫn, vi mạch điện tử, pin công nghệ mới… Với những lĩnh vực này, TPHCM có được những cơ chế, chính sách vượt trội hơn mặt bằng chung của cả nước dành cho các nhà đầu tư chiến lược.

Ngoài ra, TPHCM còn có cơ chế đặc thù cho hạ tầng giao thông với hệ thống đường vành đai, cao tốc, thuận lợi liên kết vùng, mở rộng không gian kinh tế. TPHCM có lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông, logistics đa dạng, trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong và ngoài nước khi có cả 4 phương diện đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không.

Vì sao Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp? ảnh 2

Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất hứa hẹn cho cả năm 2024 và 2025.

Cùng với đó, TPHCM còn có nhiều lợi thế khác như nguồn nhân lực dồi dào, có tay nghề chất lượng. Việt Nam đã và đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu.

Điểm đến hấp dẫn

Dưới góc độ nhà đầu tư tại Việt Nam, ông Wee Ee Cheong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Singapore - cho rằng, Việt Nam là quốc gia tại ASEAN được hưởng lợi ít nhiều từ việc sắp xếp lại các thị trường xuất khẩu toàn cầu.

Việt Nam đang thu hút các khoản đầu tư lớn trên các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, ngành chế biến và sản xuất vẫn là ngành chủ đạo thu hút vốn FDI của Việt Nam, thu hút hơn 72% tổng vốn đầu tư vào năm 2023. Việt Nam trở thành điểm đến quan trọng cho sản xuất do chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và chính sách thân thiện với doanh nghiệp.

Với vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng...

Về mặt lao động, thị trường việc làm của Việt Nam đã có những diễn biến tích cực vào năm 2023, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 2,28%. Lực lượng lao động cũng tăng lên 52,4 triệu người, cho thấy nguồn lao động dồi dào tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Victor Ngo - Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, trong khu vực ASEAN, Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Vị trí chiến lược, dân số đông và trẻ, cùng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng của ASEAN.

Môi trường thuận lợi mở ra thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam. Trong đó, việc đa dạng hóa các quan hệ đối tác thương mại giữa các khu vực với việc tăng cường các FTA sẽ thúc đẩy nhu cầu thương mại và cung cấp khả năng phục hồi trước các yếu tố kinh tế bên ngoài.

Cùng với đó, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững lâu dài, trong khi phát triển hơn nữa giao thông vận tải, hậu cần, năng lượng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ cải thiện kết nối, tăng cường khả năng cạnh tranh và giải phóng tiềm năng kinh tế.

Vì sao Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp? ảnh 3

Ông Victor Ngo - Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam.

Ông Suan Teck Kin - Giám đốc khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore - khẳng định, triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay vẫn tích cực, với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo là 6% và có tiềm năng vượt hơn con số này. Sự lạc quan này dựa trên hiệu suất mạnh mẽ của các ngành như sản xuất, điện tử, đồ nội thất và ô tô. Bất chấp một số thách thức toàn cầu như lãi suất cao và nhu cầu chậm lại ở các thị trường phát triển, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam nổi bật là một trong những chỉ số cao nhất ở châu Á, cho thấy sự mở rộng liên tục.

Ông Suan cũng nhận định, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất hứa hẹn cho cả năm 2024 và 2025, đặc biệt là khi so sánh với mức tăng trưởng chậm hơn là 5% vào năm 2023.

“ASEAN hiện là điểm đến lớn thứ hai của FDI trên toàn cầu, sau Hoa Kỳ. Năm 2023, dòng vốn FDI đổ vào khu vực này tăng 1,2%, mặc dù FDI toàn cầu giảm 2%. Singapore, Indonesia và Việt Nam là những nước tiếp nhận FDI hàng đầu trong khu vực, với các khoản đầu tư chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông - Trung Quốc và Nhật Bản”, ông Suan nói.

Cùng chung nhận định với UOB, các tổ chức tài chính uy tín khác như ADP, WB, IMF cũng có dự báo khá lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay ở mức 6-6,5%. Nếu đạt được con số 6,5% tăng trưởng GDP trong năm nay, Việt Nam có nhiều khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại ASEAN.

MỚI - NÓNG