Công ty bị đình chỉ toàn bộ hoạt động do không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, theo quy định tại Điều 94 Luật Chứng khoán.
HVS có trụ sở tại TPHCM, tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Hùng Vương, thành lập năm 2008. Công ty hoạt động với các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đa dạng như: Môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán; tư vấn tài chính doanh nghiệp...
Công ty bị đình chỉ toàn bộ hoạt động do không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, theo quy định tại Điều 94 Luật Chứng khoán. |
Hồi tháng 5, HVS đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 210 triệu đồng vì thay đổi địa chỉ trụ sở chính khi chưa được cơ quan quản lý chấp thuận bằng văn bản; không báo cáo phương án khắc phục được Hội đồng quản trị công ty thông qua về việc không đáp ứng điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Năm 2018, HVS từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút nghiệp vụ môi giới. Sau đó, công ty mất tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), bị thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Năm 2019, Chứng khoán HVS Việt Nam bị đình chỉ hoạt động và tháng 7/2020 mới được khôi phục trở lại.
Kể từ cuối năm 2020 tới nay, HVS đã trải qua 2 lần thay đổi cơ cấu cổ đông. Lần đầu, từ tháng 12/2020 với 3 cổ đông hiện hữu lúc đó là Đường Văn Tài, Hoàng Nguyễn Thanh Hùng và Phạm Ngọc Chiến đã chuyển nhượng cổ phần cho 3 cá nhân khác là Lê Hồng Anh, Nguyễn Toàn Thắng và Nguyễn Đình Đại.
Sau đó, cơ cấu cổ đông lớn tại HVS lại thay đổi, cổ phần được chuyển giao cho bà Trương Thị Hồng Nga, ông Ngô Văn Đô, ông Thái Đình Sỹ. Tới nay, 3 cổ đông này muốn thoái hết vốn.
Nửa đầu năm nay, doanh thu hoạt động của HVS chỉ vỏn vẹn 201 triệu đồng, giảm gần 50% so cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động hơn 258 triệu đồng, HVS lỗ ròng 265 triệu đồng. Mức lỗ này nâng lỗ lũy kế của HVS lên 39 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 10,8 tỷ đồng. Tổng số nhân viên của công ty tại ngày 30/6 chỉ có 6 người.