Lãi suất huy động thấp kỷ lục
Ngày 18/12, Techcombank thông báo giảm lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Kỳ hạn 6 tháng giảm xuống còn 4,35%/năm (giảm 0,2%/năm); 3 tháng còn 3,35%/năm (giảm 0,2%/năm). BIDV cũng thông báo tiếp tục giảm 0,1%/năm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1-11 tháng. Kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,6%/năm, 3-5 tháng còn 3%/năm, 6-11 tháng còn 4%/năm.
Trước đó, trong hai ngày 11 và 13/12, BIDV hai lần giảm lãi suất huy động. Từ đầu tháng 12, Vietcombank đã 3 lần giảm lãi suất tiết kiệm và hàng chục ngân hàng đua nhau giảm lãi suất trong bối cảnh “thừa tiền” là điểm chung của giới ngân hàng khi việc cho vay ảm đạm, lãi suất huy động của các nhà băng tư nhân cũng không còn chênh lệch đáng kể so với nhóm ngân hàng quốc doanh, thậm chí thấp hơn. Với kỳ hạn 12 tháng, VietinBank, BIDV, VPBank cùng niêm yết mức 5,3%/năm, trong khi Vietcombank và MB chỉ 4,8%/năm.
Ở kỳ hạn ngắn, lãi suất đã xuống thấp nhất lịch sử và cách xa trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tại Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 3 tháng chỉ 2,5%/năm, VietinBank và BIDV nhỉnh hơn với 2,6%/năm. VPBank niêm yết lãi suất theo số tiền gửi ở kỳ hạn này thấp nhất là 3,7%/năm (số tiền gửi dưới 1 tỷ đồng).
Chỉ còn 2 tuần nữa sẽ kết thúc năm 2023 và cuộc đua giảm lãi suất huy động vẫn chưa dừng lại. Diễn biến này là điều hiếm thấy, bởi thông thường các ngân hàng sẽ đua nhau hút tiền gửi khách hàng trong những tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu cho vay trong mùa cao điểm. Động thái liên tục đưa lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục cũng đang phản ánh tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng do tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp.
Lãi suất tiết kiệm giảm nhanh nhưng lãi suất cho vay giảm không kịpẢnh: Như Ý |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng, các nhà băng đưa lãi suất tiết kiệm “chạm đáy” bởi họ đưa ra thông điệp người dân không nên kỳ vọng vào lãi suất nữa. Dòng tiền này nên đẩy ra thị trường vào sản xuất, đầu tư…
“Theo thống kê, lượng tiền lớn vẫn chảy ngược lại ngân hàng bất chấp lãi suất giảm. Hiện, người dân không biết đầu tư vào đâu nên ngân hàng buộc phải tiếp tục giảm mạnh lãi suất tiết kiệm”, ông Hùng nói.
Doanh nghiệp vẫn khó vay vốn
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, dù lãi suất huy động không ngừng giảm nhưng lãi suất cho vay với khách hàng cũ và mới vẫn neo ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn “oằn mình” gánh lãi suất từ 10 - 12%/năm. Các ngân hàng vẫn lấy lý do huy động lãi cao từ đầu năm nên chưa thể hạ nhanh lãi suất cho vay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, cho biết, các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với khó khăn về nguồn vốn. Dù các ngân hàng vẫn tuyên bố giảm lãi suất cho vay nhưng hiện lãi suất cho vay vẫn ở mức trên 10%/năm. Ngoài ra, không chỉ lãi suất cao, các doanh nghiệp bất động sản còn gặp vướng mắc ở khâu hồ sơ vay. Theo đó, các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hoặc có tài sản nhưng vẫn không vay được hoặc chỉ vay được rất ít.
“Tôi có tài sản trị giá 200 tỷ đồng, muốn vay 30 tỷ đồng cũng không vay được vì phải chứng minh dòng tiền, chứng minh lợi nhuận kinh tế trong mấy năm qua. Nhưng thực tế nền kinh tế từ năm 2020 đến nay đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế, đại dịch COVID-19. Bây giờ mà cứ loanh quanh câu chuyện chứng minh tài sản, quỹ đất và hàng loạt thứ khác thì đến bao giờ doanh nghiệp mới có thể vay vốn?”, ông Quê nói.
Phản ánh liên quan đến khó khăn về vay vốn, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VNGroup, nói: “Chúng tôi có sở hữu một đơn vị thẩm định giá nằm trong top 10 của Việt Nam. Câu chuyện định giá để cho vay cũng có vướng mắc. Các thẩm định viên đang rất sợ việc thẩm định giá. Giá lẽ ra được 10 đồng thì nay giảm xuống còn 7 - 8 đồng để an toàn. Đến lượt ngân hàng, cán bộ ngân hàng lại hạ thêm lần nữa. Thay vì giá trị ban đầu 10 đồng, sau các vòng định giá, giá trị doanh nghiệp chỉ còn lại 5 đồng và chỉ vay được từng ấy số tiền. Đó cũng là lý do khiến tắc nghẽn dòng tiền, ngân hàng có tiền nhưng khách hàng không thể vay”.
Ngoài ra, ông Thành cho rằng, điểm khó tiếp theo là chứng minh thu nhập để trả nợ. Ở Việt Nam, có nhiều loại thu nhập khác nhau, thu nhập trên bảng lương, thu nhập khác không thể liệt kê và rất khó để chứng minh trên hồ sơ, giấy tờ. Chính vì thế, nhiều khách hàng không thể chứng minh được thu nhập để đi vay.
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Vietcombank, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng 9,15% tính tới cuối tháng 11, khả năng tăng 12% năm 2023. Nhu cầu tín dụng nhìn chung vẫn ở mức yếu do nền kinh tế và thị trường bất động sản hồi phục chậm. Lãi suất huy động giảm nhanh và lãi suất cho vay thực tế đã ghi nhận giảm khoảng 2 - 2,5% tại các khoản vay phát sinh mới. Tuy nhiên, lãi suất dành cho các khoản vay hiện hữu vẫn trên 10%/năm do có độ trễ 3 – 6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa về mức độ giảm giữa các ngành nghề. Mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1 - 1,5% trong năm 2024.