Lại đi giữa những lằn ranh sinh tử (bài cuối): Vun đắp yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm đang bùng phát khiến gánh nặng dồn lên vai những nhân viên y tế. Chính họ, không buông xuôi, không nhụt chí, vẫn cần mẫn vun đắp yêu thương để giữ lại cho đời bao phận người tưởng đã bước chân về bên kia thế giới…

“Nào con trai, đưa tay cho cô nhé, ngoan thế này là sắp được về nhà với em rồi đây”, vừa nói nữ điều dưỡng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) nhẹ nhàng luồn kim truyền dịch vào ven cánh tay cho cậu bé bị sốt xuất huyết. Béo phì kèm sốt xuất huyết nên thể trạng của bệnh nhi rất kém, nguy cơ biến chứng cao. Những cơn sốt đến run người khiến cậu bé mệt lả, không thiết ăn uống gì. Các điều dưỡng lại trở thành những người bạn để động viên, trấn an và chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân.

Trong căn phòng dành riêng cho những bệnh nhi thở máy, điều dưỡng Vũ Thị Hoa vừa bơm thuốc vào chai dịch truyền vừa cất lời hát ru khe khẽ. Bé gái thân hình nhỏ thó vẫn nằm im lìm. Nếu không có chỉ số sinh tồn nhấp nháy trên hệ thống máy thở thì khó ai tin bệnh nhi ấy đang tồn tại. Công việc đòi hỏi những điều dưỡng như Hoa phải di chuyển liên tục giữa các giường bệnh suốt tua trực để đảm bảo không bỏ qua dấu hiệu bất thường nào nơi bệnh nhân. Tê bì chân, lưng đau, gối mỏi nhưng những thao tác nghiệp vụ của Hoa vẫn vô cùng chính xác. Đã lâu rồi Hoa và đồng nghiệp chưa biết nghỉ phép là gì vì dịch bệnh triền miên, bệnh nhân mỗi ngày đều chật kín giường bệnh.

Lại đi giữa những lằn ranh sinh tử (bài cuối): Vun đắp yêu thương ảnh 1

Các điều dưỡng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai) tất bật giữa những chồng bệnh án

Đào Thị Dung, Điều dưỡng Trưởng phòng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) ví khoảng thời gian này là “áp lực khủng khiếp” khi cô và đồng nghiệp phải gồng mình làm việc. Bệnh nhân không chỉ bị sốt xuất huyết đơn thuần mà còn trên nền bệnh như ung thư máu, suy thận, chạy thận chu kì, tiểu đường, suy tim khiến các điều dưỡng căng mình theo dõi mọi diễn biến để kịp đối phó với tình huống bệnh bất ngờ xảy ra. Vất vả là vậy, nhưng không khó để nhận ra đôi mắt biết cười của Dung mỗi khi cô trò chuyện với bệnh nhân. Với người bệnh, cô không chỉ là điều dưỡng mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần khiến họ tin năng lượng tích cực từ cô tỏa ra sẽ mang đến bao điều thiện lành.

Hi sinh thầm lặng

Lại đi giữa những lằn ranh sinh tử (bài cuối): Vun đắp yêu thương ảnh 2

Điều dưỡng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (BV Nhi T.Ư) chăm sóc trẻ béo phì mắc sốt xuất huyết Ảnh: Thái Hà

“Số bệnh nhân trên một giường bệnh tăng gấp đôi, nhân viên phục vụ tăng khối lượng công việc gấp đôi nhưng tiền giường bệnh lại chia 2 vì bảo hiểm y tế không giải quyết tình trạng nằm ghép. Trong khi đó dịch dã bùng phát thế này thì bắt buộc phải nằm ghép. Hiện tiền chống dịch cũng không có, kể cả tiền chống dịch COVID-19. Bệnh nhân tăng cao ngoài cộng đồng nhưng không vào tuyến dưới, cứ chọn bệnh viện tuyến đầu mà bác sĩ thì không được phép từ chối bệnh nhân. Quá tải ngày càng nặng, nhân viên ngày càng mệt mỏi, quá sức”, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới không giấu được lo lắng. Nghe những gì anh nói và tận thấy khối lượng công việc mà các điều dưỡng, bác sĩ làm hằng ngày mới thấm được một phần vất vả mà họ đang đối mặt.

Công việc của các điều dưỡng ngoài chăm sóc bệnh nhân chu đáo còn phải thực hiện hàng loạt các đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân để bảo hiểm y tế thanh toán chi phí. “Một ngày tổng kết gần trăm ca bệnh nhân sốt xuất huyết rất mất công sức. Đây là bất cập của bệnh viện công hiện giờ. Chưa bao giờ các nhân viên y tế tâm tư như hiện nay. Sau dịch bệnh nhân đông nhưng nhân viên y tế không có tiền”, TS Cường bày tỏ.

Là người gắn bó với chuyên ngành Truyền nhiễm hàng chục năm nay, chưa bao giờ PGS.TS Đỗ Duy Cường lại nhìn thấy rõ những khó khăn như hiện nay khi sinh viên y khoa ra trường cũng không muốn làm chuyên ngành truyền nhiễm. “Năm vừa rồi bác sĩ nội trú đăng kí chuyên ngành truyền nhiễm đứng cuối cùng với 9 bác sĩ, nhưng sau đó học phí cao quá nên 6 bác sĩ trẻ đều từ bỏ chuyên ngành này. Đội ngũ kế cận rất thiếu, đây là nỗi lo lớn khi dịch bệnh ngày càng gia tăng mà nhân lực lại hao hụt. Sau dịch COVID-19, mọi người thường bảo chuyên ngành truyền nhiễm trở nên “hot” nhưng càng “hot” càng không có người lựa chọn vì công việc vất vả mà thu nhập thấp”, vị chuyên gia trầm ngâm.

Thạc sĩ Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) là người luôn thấu hiểu tâm tư của nhân viên: “Mình vẫn thường tâm sự với các bạn điều dưỡng, phải xác định mình là những chiến sĩ luôn sẵn sàng chiến đấu. Các bạn trẻ ở trung tâm nhiệt tình, trách nhiệm, nhưng số lượng bệnh nhân đông, dịch chồng dịch nên ai cũng gắng sức dẫn đến rất mệt mỏi. Nhiều nhân viên ốm vặt phải nghỉ dưỡng sức”. Bản thân chị có 26 năm làm điều dưỡng nhưng chưa từng nghỉ phép. Thậm chí bệnh viện quy định ngày nghỉ bù nhưng không có nhân lực nên nhân viên phải làm cả ngày nghỉ bù, nhất là thời gian gần đây bệnh nhân nặng tăng.

Tình thương yêu thực sự luôn lan tỏa năng lượng chữa lành diệu kì và không bao giờ gây ra khổ đau. Đằng sau tấm áo blouse ấy là trái tim nồng nàn, ấm áp dành cho người bệnh, cho cõi nhân sinh này.

Công việc nhiều không phải là áp lực duy nhất thực sự khiến mọi người căng thẳng, bất an, mà chính là cảm giác bất lực, đau đớn khi chứng kiến bệnh nhân mình vừa chăm sóc hôm qua, hôm nay vào trực thì bệnh nhân đã mất hoặc người nhà xin về vì quá nặng. Họ đối mặt với sự sống - cái chết hằng ngày nhưng không bao giờ quen được với nỗi đau mất mát ấy bởi họ mang trong tim mình lòng trắc ẩn và tình thương thầm lặng với mỗi người bệnh.

Sưởi ấm cõi nhân sinh

Dịch bệnh nào rồi cũng sẽ qua, nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai bởi đó là quy luật cuộc sống. Và trên hành trình của kiếp người, dẫu còn điều này điều kia khiến người ta tháo chạy, chán nản, nhưng họ - những chiến binh mang trên mình tấm áo blouse vẫn là những người kiên cường, bám trụ, thể hiện phẩm chất lương y như từ mẫu, giữ được lời thề Hypocrat. Có thể thiếu thiết bị y tế, thiếu thuốc men để điều trị cho bệnh nhân, nhưng tấm lòng của họ vẫn như ngọn lửa thắp lên, chiêu cảm năng lượng tích cực, khát vọng sống cho bệnh nhân. Có thể chúng ta đôi lúc nhìn mọi việc trần trụi, đầy vật chất nhưng với các nhân viên y tế thì khác, họ nhìn mọi việc bằng tình thương, họ luôn dư thừa tình đồng loại, tinh thần trách nhiệm khi đã khoác trên mình tấm áo blouse. Và tôi tin tấm áo blouse như một tín chỉ, như biểu trưng để minh chứng rằng họ, những thiên thần áo trắng không hề vụ lợi. Cuộc sống còn đó những điều xấu xa. Nhưng ai vụ lợi thì đã phải trả giá. Chỉ những người ở lại, ngày đêm vì bệnh nhân là minh chứng cho tấm lòng thanh sạch, không bận tâm, không toan tính…

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.