Lại đi giữa những lằn ranh sinh tử: Giành giật sự sống

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tiếng tít tít liên hồi từ góc phòng bệnh khiến nữ điều dưỡng dừng công việc để nhào đến nơi bệnh nhi bé xíu, gầy gò đang lên cơn suy hô hấp. Cô nhanh chóng gọi bác sĩ và đồng nghiệp đến hỗ trợ. Không khí căng thẳng, những giọt mồ hôi rịn trên trán ba người…

Nơi đầu sóng, ngọn gió

Áp lực công việc, những tình huống bất ngờ khiến tính mạng bệnh nhân “ngàn cân treo sợi tóc” có thể xảy đến bất cứ lúc nào là những điều bác sĩ, điều dưỡng tại khoa Hồi sức tích cực (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương) luôn phải đối mặt. Ở các bệnh viện, khoa Hồi sức tích cực thường được ví là nơi “đầu sóng, ngọn gió” bởi những đòn cân não, những khoảnh khắc khốc liệt diễn ra bất ngờ, đòi hỏi các chiến binh khoác áo blouse phải có bản lĩnh và một trái tim nhạy cảm, yêu thương…

Khoảng thời gian dài chỉ ở trong căn phòng nhỏ với bệnh nhi nhiều lúc khiến điều dưỡng căng thẳng, mệt mỏi. Hoa chân thành nói, rằng, cảm giác mệt mỏi là thường trực, nhưng ánh mắt trẻ thơ, giọng nói nũng nịu, tiếng khóc xé lòng và hơn cả là những cơn đau thắt người của bọn trẻ khiến các điều dưỡng gạt bỏ muộn phiền để tiếp tục công việc.

Những ngày này, cùng với sốt xuất huyết, Adenovirus đang gây bão khi có tới hơn 100 bệnh nhi phải nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Tôi bước vào phòng hồi sức nơi có những bệnh nhi nặng nhất đang điều trị, không khí tĩnh lặng, chỉ có tiếng máy móc hỗ trợ sự sống cho các sinh linh đều đều vang lên. Nhìn những thân hình nhỏ thó nằm trên giường bệnh trải ga trắng toát, thương cảm dâng trào. Các con quá nhỏ bé về thể xác để phải gánh chịu nỗi đau này. Tấm thân chỉ trên dưới chục cân mà chịu đựng những đường truyền, những mũi tiêm suốt nhiều ngày để duy trì sự sống. Thi thoảng lồng ngực lại phập phồng hơi thở gấp gáp mới khiến người chứng kiến cảm nhận được sự sống vẫn tồn tại.

Lại đi giữa những lằn ranh sinh tử: Giành giật sự sống ảnh 1

Trẻ mắc Adeno nặng đang điều trị tại BV Nhi Trung ương

Điều dưỡng Vũ Thị Hoa liên tục di chuyển giữa các giường bệnh để theo dõi chỉ số sinh tồn cho bệnh nhi. Công việc này cô đã gắn bó hơn 3 năm. Đây là những ngày áp lực nhất khi số trẻ nhập viện vì Adenovirus tăng liên tục. Nửa đêm nhiều ca cấp cứu vào trong tình trạng trẻ suy hô hấp, suy tuần hoàn khiến công việc của bác sĩ và điều dưỡng căng như dây đàn.

Lại đi giữa những lằn ranh sinh tử: Giành giật sự sống ảnh 2

Điều dưỡng chăm sóc trẻ thở máy vì nhiễm Adenovirus

“Một ca trực mà 2 hay 3 bệnh nhân nặng cùng được chuyển đến quả thực là áp lực với các bác sĩ và điều dưỡng, nhưng vẫn phải ngay lập tức xử trí thật nhanh để cứu tính mạng của bệnh nhi. Sơ suất, một phút chậm trễ có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhân”, Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực Nguyễn Thành Đồng chia sẻ. Không ít lần đang cấp cứu cho một trẻ thì góc phòng đằng kia máy báo chỉ số sinh tồn của trẻ khác đang gặp nguy hiểm. Các điều dưỡng phải phối hợp với nhau thật nhanh, đồng thời báo cho bác sĩ biết để xử lí tình huống nguy cấp.

Giường bệnh chật kín bệnh nhi mê man, thiêm thiếp. Nhìn những thân hình nhỏ bé với dây truyền dịch, ống thở máy nhằng nhịt quanh người ai cũng có thể hình dung tình trạng bệnh của các bé nặng thế nào. Và như thế, đồng nghĩa là các điều dưỡng ở đây phải căng mình ra. Mỗi người làm một ca liên tục có khi lên đến 24 tiếng đồng hồ. “Nhân lực điều dưỡng mỏng, chăm sóc toàn diện bệnh nhân nên rất nhiều khó khăn do bệnh nhi diễn biến nhanh về suy hô hấp, suy giảm huyết động nặng nề trên bệnh nhân nhiễm Adeno. Đòi hỏi nhân viên y tế phối hợp nhịp nhàng nhanh chóng để bảo đảm huyết động và hô hấp của trẻ tốt nhất”, điều dưỡng Nguyễn Thành Đồng nói. Khi tôi đến khoa Hồi sức tích cực, chứng kiến công việc của các nhân viên y tế nơi đây cũng là lúc điều dưỡng Nguyễn Thành Đồng đang trực liên tục 36 tiếng vì nhân lực của khoa quá mỏng mà bệnh nhân thì đông.

Ở đây mọi người nói đùa với nhau về “bữa trưa 5 phút”. Thấy tôi ngạc nhiên, điều dưỡng Đồng bật mí: “Vì có khi 2-3 giờ chiều bọn em mới ăn trưa trong vòng 5 phút. Mọi người phần lớn đều bị đau dạ dày vì đảo lộn nhịp sinh hoạt, căng thẳng trong công việc”.

Cánh tay nối dài

Nhắc đến ngành Y, người ta thường nghĩ đến bác sĩ, nhưng còn đó một danh xưng khác mà nếu không có họ thì các bác sĩ dù giỏi đến đâu cũng không thể một mình chăm sóc điều trị cho bệnh nhân. Họ chính là các điều dưỡng, những người trực tiếp chịu trách nhiệm về tình hình sức khỏe, theo dõi bệnh nhân về thể trạng bệnh với đầy đủ kiến thức chuyên nghiệp, nền tảng khoa học cơ bản.

Hoa và một điều dưỡng nữa cùng một bác sĩ đang chăm sóc cho 2 phòng bệnh nhân nặng với 10 trẻ thở máy vì nhiễm Adenovirus. Vất vả nhân lên bội phần so với chăm sóc những trẻ khác. Trong căn phòng đặc biệt này, điều dưỡng phải tập trung cao độ, không có một phút nào được nghỉ ngơi vì, chỉ chút lơ đễnh thôi có thể gây hậu quả khôn lường. Nhiều lúc đôi chân mỏi nhừ, lưng đau muốn sụm xuống nhưng tình yêu dành cho công việc và những đứa trẻ bất hạnh giữ họ trụ vững. Những ngày gần đây, áp lực đồn dập đến vào ban đêm khi các ca cấp cứu vì bệnh Adeno khá nhiều. Trẻ vào viện trong tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn nên mọi thao tác của nhân viên y tế tính bằng giây, bằng phút. Một ca cấp cứu như vậy cần 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng. Có những lúc 2 -3 bệnh nhân cùng suy hô hấp khiến khoa phải huy động toàn bộ nhân lực của tua trực. Lúc này việc can thiệp hô hấp phải tiến hành đầu tiên, khẩn trương, đảm bảo thông thoáng đường thở, cần thiết thì can thiệp đặt ống thở sớm chứ không để bệnh nhân gắng sức, suy hô hấp, tím tái, gây tụt bão hòa ô xy sẽ ảnh hưởng đến ô xy não. Không ít lần chứng kiến những đứa trẻ hôm qua, lúc trước mình còn gắn bó, chăm sóc tận tình mà đột ngột rời đi do cơn bạo bệnh, cảm giác hụt hẫng, trống trải và đau đớn ám ảnh những điều dưỡng trẻ như Hoa.

Dù công việc áp lực, thường xuyên phải trực đêm nhưng họ vẫn động viên nhau cố gắng. Mỗi ca bệnh khó là một thử thách mới, là dịp để học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn. Các bác sĩ, điều dưỡng sau nhiều năm gắn bó và làm việc tại khoa Hồi sức tích cực luôn tự tin về khả năng xử lí các tình huống khẩn cấp cũng như đưa ra các phương pháp điều trị đúng đắn cho người bệnh. Đó cũng chính là niềm tự hào, là động lực để họ - những chiến binh thầm lặng của nghề Y luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với con đường mà mình đã lựa chọn.

Trong câu chuyện với các bác sĩ tôi luôn được nghe những lời chia sẻ và biết ơn của họ dành cho các điều dưỡng bởi những vất vả, hi sinh mà các điều dưỡng đã làm cho bệnh nhân. Họ gọi điều dưỡng là “cánh tay nối dài” của bác sĩ. Nếu các bác sĩ chẩn đoán và điều trị tích cực, đem lại sự sống cho các bệnh nhi thì chính điều dưỡng là người nuôi dưỡng và chăm lo cho những đổi thay đó ngày một tốt đẹp hơn. (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.