Lại đi giữa những lằn ranh sinh tử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau trận cuồng phong COVID-19 càn quét, những gì nó để lại là không thể đong đếm. Những tưởng cuộc sống sẽ dần an yên sau trận bão thế kỉ thì giờ đây nỗi lo dịch chồng dịch đang hiện hữu. Chưa bao giờ con người lại cùng lúc đối mặt với nhiều kẻ thù giấu mặt đến thế…

Bài 1: Quay cuồng với sốt xuất huyết

Nhiều tháng nay khi COVID-19 vừa có dấu hiệu hạ nhiệt thì cả nước lại chứng kiến cơn bão sốt xuất huyết (SXH) khiến hơn 300.000 người trở thành nạn nhân và 112 người vĩnh viễn ra đi, con số cao gấp nhiều lần năm ngoái.

Tâm bão

“Em vào đi, bọn anh đang quay cuồng với SXH đây”, giọng nói gấp gáp của PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) vang trong điện thoại sau lời đề nghị muốn được chứng kiến những giờ phút căng như dây đàn của anh và đồng nghiệp.

Lại đi giữa những lằn ranh sinh tử ảnh 1

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho sản phụ mắc SXH

Mới sáng sớm nhưng các buồng bệnh chật kín người nằm. Những chiếc giường rộng chừng một mét hai với 2 bệnh nhân nằm trở đầu đuôi. Thân hình đỏ như tôm luộc, có người mắt vằn lên những tia máu đỏ ngầu. Tất cả họ đều lộ vẻ mệt mỏi. Đó là chàng trai 28 tuổi, đang làm tại công trường ở quận Long Biên nhập viện đã 2 ngày sau những trận sốt cao không dứt; là cụ ông ngoài 70 tuổi nằm bẹp, không muốn trở mình, những chấm xuất huyết chi chít trên người. Trên tay họ nhữ ng vết bầm tím vì truyền dịch. Mệt mỏi nhìn từng giọt dịch truyền nhỏ xuống và đi vào cơ thể anh H.M.Th (40 tuổi) bảo: “Chẳng biết hình thù con virus thế nào mà sao nó công phá mạnh thế. Bình thường tôi hay được mọi người đùa là khỏe như hà mã mà giờ đây chả thiết ăn uống gì. Mới khỏi COVID-19 được mấy tháng đã bị con muỗi quật cho sống dở, chết dở”.

Với các nhân viên y tế thêm một người bệnh khỏe mạnh ra viện là món quà trân quý mà nghề nghiệp mang lại. Vì thế, gạt sang một bên những nhọc nhằn, áp lực và biết bao thiếu thốn, những “thiên thần” khoác áo blouse âm thầm lấy niềm vui của người bệnh làm lẽ sống cho mình…

Tôi theo chân PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám bệnh nhân mới cảm nhận được những vất vả mà đội ngũ y bác sĩ đang từng ngày đối mặt. Phòng nào bệnh nhân cũng chật như nêm, 2-3 người một giường, người nằm co gập chân để dành cho người khác có chỗ ngả lưng truyền dịch. Người khỏe hơn lựa chỗ ngồi ngay mép giường, đôi chân thõng xuống đất, gương mặt lộ rõ sự mệt mỏi và lo lắng. Chúng tôi bước vào phòng có 3 giường với 6 bệnh nhân đang điều trị. Chiếc giường ở giữa, tôi chú ý một cô gái với gương mặt mệt mỏi. Rất nhanh, bác sĩ Cường đến bên cô. Đó là thai phụ đang ở tuần thai thứ 28. Những động tác khám nhẹ nhàng, lời nói trấn an từ vị bác sĩ khiến gương mặt bệnh nhân giãn ra, có vẻ cô đã bớt lo lắng. Tôi thấy thai nhi đạp khẽ trong bụng mẹ khi bác sĩ đang khám. “Chắc em bé muốn về nhà rồi đây, mẹ cố gắng ăn uống nhé, sắp được ra viện rồi”, lời động viên của vị phó giáo sư khiến cô gái thở phào nhẹ nhõm. Quay sang tôi, cô bảo: “Mắc bệnh này lo cho mẹ thì ít mà lo cho con thì nhiều chị ạ. Bệnh nhân đông quá, các anh chị bác sĩ, điều dưỡng cũng vất vả lắm nhưng lúc nào cũng chu đáo, nhẹ nhàng với bọn em”.

Lại đi giữa những lằn ranh sinh tử ảnh 2

Rất đông bệnh nhân SXH nên phải nằm ghép 2 người/giường

Căn phòng bên cạnh cũng là một thai phụ đang mang trong mình sinh linh 10 tuần tuổi. Xem bệnh án xong bác sĩ Cường quay sang khám cho thai phụ. “Ổn rồi, ngày mai hai mẹ con về nhà an dưỡng nhé”, TS Cường vừa cười vừa thông báo với sản phụ. Suốt buổi theo chân bác sĩ, chứng kiến những giọt mồ hôi của anh trong quá trình thăm, khám cho từng ca bệnh đến giờ mới thấy nụ cười trên gương mặt người đàn ông lúc nào cũng tất bật.

Đi qua những buồng bệnh, tôi tận thấy sự lo lắng, mệt mỏi, đăm chiêu hiện hữu nơi bệnh nhân, càng cảm nhận rõ hơn những tác hại mà loài virus nhỏ bé, giấu mặt đang khiến hàng trăm ngàn người điêu đứng. Xen giữa đó là những lời động viên của bác sĩ, điều dưỡng dành cho người bệnh. Những gương mặt vốn ăm ắp nỗi lo bất chợt giãn ra. Bởi với họ, lúc này, một người được xuất viện là niềm vui chung, khiến họ tin vào khả năng của các bác sĩ, tin rằng mình sẽ là người may mắn tiếp theo khỏi bệnh…

Áp lực

Được sự cho phép của lãnh đạo Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, tôi vào khu hành chính. Căn phòng rộng chừng 15 mét vuông, chiếc bàn lớn kê giữa phòng, trên đó chất đầy những bệnh án dày cộp. Thấy tôi ngó chăm chăm đống giấy tờ, một điều dưỡng cất lời: “Toàn bộ là bệnh án của bệnh nhân SXH đấy, kia nữa, cả một tủ đầy”. Nói xong, nữ điều dưỡng chỉ lên bức tường trước mặt bảo: “Những bệnh nhân ghi bằng mực đỏ đều là SXH”. Giữa trưa, sau mấy tiếng lang thang các buồng bệnh cùng bác sĩ, thấm mệt, nhìn lên tấm bảng đỏ lòe, cảm giác hoang mang bất chợt nhói lên trong tôi. Mỗi ngày hơn 50 ca bệnh nặng nhập viện. Có những đêm cuối tuần, bệnh nhân vào ồ ạt, nhân viên y tế quay cuồng với công tác tiếp nhận, phân loại bệnh nhân, nhập máy tính thông tin người bệnh, bố trí giường nằm, thăm khám, truyền dịch, phát thuốc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng…

Điều dưỡng Trưởng phòng Đào Thị Dung vừa sắp xếp bệnh án vừa trao đổi với đồng nghiệp về những ca bệnh mới nhập viện. Vào Trung tâm làm từ năm 2009, nhưng với Dung đây là năm số ca mắc SXH nặng có lẽ nhiều nhất. Cả tháng nay những điều dưỡng, bác sĩ không biết đến ngày nghỉ cuối tuần. Tất cả từ lãnh đạo đến nhân viên đều căng mình chống dịch. Khoa có 20 bác sĩ, 50 điều dưỡng, 2 nhân viên kĩ thuật và một số hộ lí nhưng phải quán xuyến hơn 100 giường bệnh lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Làm việc thông trưa, miếng cơm nuốt vội không thấy ngon, có lúc khát cũng không kịp uống nước vì bệnh nhân vào liên tục, lại khám, sắp xếp giường bệnh, giải thích cho người nhà bệnh nhân. Nhân lực không tăng nhưng bệnh nhân tăng ồ ạt khiến gánh nặng dồn lên vai nhân viên y tế với khối lượng công việc gấp 2-3 lần bình thường.

“Cô ơi giúp ông nhà tôi với”, giọng người đàn ông cắt ngang câu chuyện, Dung vội vã bước về phía phòng bệnh. Cụ ông chừng hơn 80 tuổi nằm im lìm, mắt nhìn trân trối lên trần nhà, cánh tay cắm dịch truyền nhỏ đầy máu trên ga trải giường và quần áo. Thao tác thật cẩn trọng, Dung cắm lại kim tiêm truyền dịch bị bệnh nhân làm chệch ven khiến máu ra nhiều. Vừa làm cô vừa trấn an người nhà bệnh nhân không nên quá lo lắng đồng thời giải thích tình trạng bệnh của cụ ông.

“Nhiều lúc mệt mỏi, áp lực lắm nhưng không dám xin sếp cho nghỉ phép chị ạ. Bọn em đang làm với hơn 200% sức lực”, điều dưỡng trưởng Đào Thị Dung chia sẻ. Không chỉ chăm sóc bệnh nhân, các điều dưỡng phải nắm bắt nhanh, từ điều trị bệnh nhân đến làm thủ tục bảo hiểm y tế đến thanh toán cho người bệnh rất khẩn trương, hoàn tất thủ tục ra viện để lấy giường đón bệnh nhân mới.

Dung thừa nhận những điều dưỡng luôn phải “mát tính” để giải thích thắc mắc của người bệnh và người nhà họ. Không ít bệnh nhân mệt mỏi vì lâu ngày không ăn uống được, bệnh nặng, tâm lí không ổn định nên gây sự với bác sĩ, điều dưỡng khiến nhân viên y tế rất áp lực nhưng họ vẫn phải thấu hiểu bệnh nhân và kiềm chế cảm xúc, tránh tạo thêm ức chế cho người bệnh...

MỚI - NÓNG