Giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19-Bài 2

Chạy đua giành từng hơi thở cho bệnh nhân COVID ở lằn ranh sinh tử

0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ Trần Thanh Linh chăm sóc một bệnh nhân nguy kịch
Bác sĩ Trần Thanh Linh chăm sóc một bệnh nhân nguy kịch
TP - Trái ngược với sự tĩnh lặng của đường phố những ngày giãn cách, phía sau cánh cửa phòng Bệnh viện Hồi sức COVID-19 lớn nhất TPHCM, đội ngũ nhân viên y tế đang hối hả chạy đua với thời gian, căng mình, dốc sức để giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân đang ở lằn ranh sinh tử.

Gồng hết sức

Vừa kết thúc cuộc hội chẩn từ xa để đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện tuyến dưới nhằm ngăn nguy cơ tử vong cho bệnh nhân từ các bệnh viện dã chiến, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 lại tất bật cùng các đồng nghiệp chạy lên các phòng Hồi sức Cấp cứu để thăm khám các bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Đi từng giường bệnh thăm khám, kiểm tra chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân, bác sĩ Linh cẩn thận dặn dò đồng nghiệp từng chi tiết nhỏ, từng phương án điều trị riêng cho mỗi bệnh nhân đang thở máy.

Chỉ tay vào căn phòng chật hẹp nhưng được đặt hai giường bệnh hồi sức với cơ số máy thở, dây dợ, ống truyền, bác sĩ Linh cho hay, ban đầu khu Hồi sức do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách chỉ có quy mô gần 30 giường bệnh. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày hoạt động, số bệnh nhân nặng và nguy kịch từ các nơi chuyển về tăng nhanh, Bệnh viện phải tăng gấp đôi số giường Hồi sức tại đây.

Rời phòng bệnh ở tầng 3, nghe tiếng chuông báo động ở tầng trên, bác sĩ Linh cùng các đồng nghiệp lại tức tốc chạy, leo cầu thang bộ lên để hỗ trợ đồng nghiệp đặt nội khí quản, cấp cứu bệnh nhân đang nguy kịch.

Sau gần một giờ hỗ trợ đồng nghiệp chưa kịp nghỉ ngơi, điện thoại của bác sĩ Linh lại đổ chuông, một bệnh nhân ở tuyến dưới trở nặng cần chuyển lên gấp.

“Bệnh nhân thở oxy bao nhiêu lít/phút? Mạch huyết áp bao nhiêu? Tụi em đã xài kháng đông chưa? Rồi, ca này anh nhận, em chuyển lên lầu 6A, ghi là bác sĩ Linh nhận bệnh. Nhưng em phải ghi rõ số điện thoại liên lạc của người thân bệnh nhân. Tụi em phải đảm bảo oxy suốt chuyến đi, có bình oxy con, không để bệnh nhân tắc oxy, tụi em chuyển ngay đi”, cuộc điện thoại ngắn gọn nhưng dứt khoát, tạo điều kiện cho bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện một cách nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

“Thật sự chúng tôi phải gồng hết sức, cố gắng gồng gánh công việc cho nhau. Có khi bác sĩ làm cả việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm việc của hộ lý. Chỉ cần nghe tiếng báo động ở bất kỳ khu vực nào, anh em lại tức tốc chạy lên hỗ trợ, không phân biệt khu vực do bệnh viện nào quản lý. Mọi người gắn kết với nhau thành một khối như vậy để gồng gánh cho nhau”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Sau 20 ngày chiến đấu không biết mệt mỏi, bác sĩ Linh và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 gần như không có thời gian nghỉ. Hết đặt ECMO đến lọc máu cho bệnh nhân nặng, nguy kịch đến hội chẩn trực tuyến với các Bệnh viện Dã chiến, Bệnh viện tuyến quận huyện nhằm ngăn nguy cơ trở nặng của bệnh nhân.

“Trực đêm đến 2 giờ sáng, thay đồ tắm rửa mất gần một tiếng nữa, về đến chỗ nghỉ thì mặt trời sắp ló dạng rồi. Thế nhưng, mỗi buổi sáng, anh em lại cố gắng vào để tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân và cố gắng lao vào chăm sóc cho bệnh nhân. Ở đây, chúng tôi không có khái niệm hôm nay là cuối tuần hay bất cứ ngày gì nữa. Đôi khi, ngay cả những tin nhắn hay những lời động viên của người thân gia đình mình cũng không có thời gian để đọc”, bác sĩ Linh nghẹn lời.

Không được bỏ cuộc

Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, bước ra khỏi khu cách ly khi quần áo ướt đẫm mồ hôi, đôi tay lằn đỏ bởi lực siết của găng tay y tế. Ngồi bệt dưới nền nhà pha vội gói mì ăn lót dạ, bác sĩ Huỳnh Quang Đại thở phào vì vừa cấp cứu thành công một ca bệnh nguy kịch. “Bệnh nhân nữ đang mang thai mới chuyển đến được vài ngày, sau khi đặt ECMO thì tình hình đã tạm ổn, tuy nhiên phải theo dõi sát”, bác sĩ Đại chia sẻ.

Chạy đua giành từng hơi thở cho bệnh nhân COVID ở lằn ranh sinh tử ảnh 1

Bác sĩ Huỳnh Quang Đại

Trực chiến tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 từ ngày mới thành lập, vừa phụ trách thiết lập các khoa, phòng chuyên môn từ sắp xếp cơ sở vật chất đến bố trí nhân lực, vừa kiêm nhiệm vụ hồi sức, cấp cứu bệnh nhân nguy kịch, bác sĩ Đại luôn trong tình huống sẵn sàng lao vào phòng hồi sức bất cứ lúc nào.

Từng tham gia các đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đi điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng, Bắc Giang, nhưng chưa bao giờ bác sĩ Huỳnh Quang Đại gặp phải áp lực lớn như thời gian trực chiến tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19. Chưa bao giờ anh tưởng tượng được việc vừa thiết lập xong một khoa hàng chục giường thì chỉ trong vài ngày đã đầy bệnh nhân.

Đi vào hoạt động từ ngày 15/7, đến nay Bệnh viện đã đạt công suất 500 bệnh nhân nặng mỗi ngày, đa số phải thở máy, lọc máu, đặt ECMO. Lượng bệnh nhân nặng tăng quá nhanh, trong khi quân số là bác sĩ làm hồi sức tích cực lại không nhiều. Để đáp ứng được yêu cầu, các bác sĩ hồi sức phối hợp các chuyên khoa khác và chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm các bác sĩ hồi sức trưởng tua, hỗ trợ chuyên môn chung. Nhóm 2 là bác sĩ liên quan hồi sức như cấp cứu, gây mê... Nhóm thứ 3 là bác sĩ chuyên khoa nội, ngoại. Tất cả cùng tham gia hỗ trợ lẫn nhau với mục tiêu không để một bệnh nhân nào cần chăm sóc mà bị chậm trễ.

“Khi đã nhận nhiệm vụ thì chúng tôi xác định dốc hết sức để làm những gì có thể. Anh em đều nỗ lực làm việc từ sáng đến 11 - 12 giờ đêm thậm chí 1 - 2 giờ sáng. Có những đêm thấy bệnh nhân xếp hàng chờ mà chưa có chỗ nhập viện, anh em lại bắt đầu chạy giải phóng giường để nhận bệnh. Vì các Bệnh viện dã chiến, bệnh viện cơ sở họ không có điều kiện, mình không nhận thì bệnh nhân biết đi đâu”, bác sĩ Đại chia sẻ.

“Phải ráng làm sao để cứu được thật nhiều người. Nhìn thấy bệnh nhân hồi phục, xuất viện là điều hạnh phúc nhất của chúng tôi…”. Bác sĩ Huỳnh Quang Đại

Không chỉ chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức, các bác sĩ ở đây thường xuyên nhận nhiệm vụ đi đặt ECMO cho bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện cơ sở. Có hôm sau ca trực đêm, chưa kịp ăn tối họ lại xách đồ nghề lên đường, khi xong việc trở về đã 4 giờ sáng. Tắm rửa, nghỉ ngơi vài tiếng rồi lại tiếp tục vào ca trực mới, bác sĩ Đại nói.

MỚI - NÓNG