Kỳ lạ chuyện đục cây lấy 'Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn'

Hứng rượu Tr’đin.
Hứng rượu Tr’đin.
Người Cơ Tu ở huyện Tây Giang không biết từ lúc nào có rượu Tr’đin. Một loại rượu lấy từ thân cây, có vị ngọt, cay, nồng giống như sâm panh.

Người Cơ Tu sống ở miền biên viễn tỉnh Quảng Nam có một loại rượu được ví là “Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn” với tên gọi Tr’đin. Rượu không cần nấu mà được đục từ thân cây. 

Người Cơ Tu ở huyện Tây Giang không biết từ lúc nào có rượu Tr’đin. Một loại rượu lấy từ thân cây, có vị ngọt, cay, nồng giống như sâm panh. 

Và nó không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của bà con, đặc biệt là lễ hội. Nghe vậy, tôi quyết định theo chân người dân bản địa lấy rượu Tr’đin. 

Có mặt tại thôn A Rầng 1, xã A Xan, huyện Tây Giang gặp già làng PơLoong Jim hỏi chuyện về Tr’đin, ông cho hay từ bao đời nay, người Cơ Tu sống trên dãy Trường Sơn truyền cho nhau về cách lấy rượu. Nó rất đơn giản nhưng có nhiều nguy hiểm. 

Rượu Tr’đin tiết ra từ thân cây được gọi là “rượu nhà trời”, vì nó là của ông trời (Yàng) ban cho vùng đất này. 

“Nói rượu cũng đúng mà nói một thứ nước uống của người Cơ Tu cũng không sai. Bởi sau những ngày lam lũ trên nương rẫy, có Tr’đin uống thì sảng khoái vô cùng. Người Cơ Tu nhà nhà uống Tr’đin, người người uống Tr’đin”, già Jim nói. 

Già làng nói: Thôn có 47 hộ thì nhà nào cũng có cây nấu rượu. Mỗi người làm chủ vài cây ở trong rừng sâu. Hôm nay các con lên đây là khách quý của làng, để già bảo mấy người lấy rượu về thưởng thức. Lên Tây Giang chưa uống Tr’đin thì xem như chưa đến vùng biên giới này rồi. 

Nói xong, già Jim gọi anh Alăng Zênh và Alăng Tên lên đường lấy rượu. Theo chân, chúng tôi cuốc bộ vượt núi khoảng 1 giờ đồng hồ đến khu vực khe nước. 

Từ đằng xa, anh Zênh chỉ tay nói: “Tr’đin đó, cây này mỗi ngày cho 2-3 lít rượu. Mình đã lấy 5 năm liền nhưng chẳng lúc nào cạn nguồn rượu hết”. 

Kỳ lạ chuyện đục cây lấy 'Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn' ảnh 1 Tr’đin là thức uống hằng ngày của người Cơ Tu.

Anh Zênh nói thêm: Tr’đin lạ lắm, quanh năm cho rượu. Người Cơ Tu có lễ hội thì đám con trai trong làng trước đó đã lên rừng đục cây, sau đó đưa về uống. Tuy nhiên, cây cho rượu nhiều nhất trong năm từ tháng 4-7. Giai đoạn này được đục liên tục, vì thời tiết nắng nóng, Tr’đin uống vô rất mát. 

Theo anh Zênh, hiện cây Tr’đin ở khu vực núi rừng này đã có chủ, hầu hết đã khai thác rượu. Tr’đin quá 6 năm tuổi thì bắt đầu đục, người nào dựng thang đục cây hứng rượu thì người đó lấy. 

Giữa núi rừng nhưng chẳng ai lấy của ai, người nào làm thì người ấy hưởng. Người Cơ Tu không ăn trộm cắp của ai hết, nếu bị phát hiện thì sẽ bị làng phạt. 

Kỳ lạ chuyện đục cây lấy 'Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn' ảnh 2 Anh Alăng Zênh trèo lên cây Tr’đin đục rượu.

Lội qua con suối chừng vài bước chân, cây Tr’đin hiện ra cao chừng 15m, thân thẳng tắp, lá xanh ngắt. Nhìn bề ngoài, cây Tr’đin giống cây đủng đỉnh ở dưới xuôi. Nó có đặc điểm là mọc ở khu vực ẩm ướt, nhất là cạnh suối nước. Nhìn lên đọt cây thấy can nhựa được đặt vào thân cây, lâu lâu nghe tiếng nước giọt tí tách. 

“Để lấy Tr’đin, mình phải chặt cây lồ ô làm thang. Cây thấp thì làm thang ngắn, cây cao nối 2 cây lồ ô lại. Sau đó dùng dây mây buộc chặt. Tại đọt cây Tr’đin, mình làm giàn để ngồi đục rượu. Bỏ công lần đầu, còn sau đó cứ đến rồi trèo lên lấy rượu”, anh Zênh nói. 

Với kinh nghiệm của mình bao năm đục rượu, Zênh chia sẻ, vị trí lý tưởng để lấy rượu được tính từ ngọn xuống, chừa lại bốn cuống lá già. Tại cuống lá già thứ tư từ trên xuống, đục đối diện với cuống lá này, người Cơ Tu gọi là Cr’dôôm. 

Kỳ lạ chuyện đục cây lấy 'Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn' ảnh 3 Đục thân cây lấy rượu.

Đục xong, thấy ở trong đọt trắng mềm là khả năng ra nước nhiều, ngược lại nếu đọt trong cứng vàng thì nước ít. 

Tay chuẩn bị cầm một cây đục bằng sắt và một can nhựa, Zênh bắt đầu leo lên. Mỗi lần đưa chân qua từng nấc thang thì độ nhún của thang dập dềnh tôi nhìn mà phát ớn. Nhưng để ghi lại khoảnh khắc Zênh lấy rượu, tôi được Zênh hướng dẫn bước lên.

Qua mấy chục nấc tháng, Zênh ngồi vắt ngang trên giàn được làm cành cây, lấy can rượu đổ vào xong thì dùng đục khoét một lỗ ở thân cây. Tại đây có một ống nứa làm đường dẫn nước vào can và từng giọt nước có màu đục chảy ra. 

Đặc biệt, Zênh cho một loại vỏ cây vào can rượu. Thấy vậy, tôi hỏi: Sao bỏ vào can vậy? Zênh giải thích: “Không có nó thì rượu không ngon, nó là men đó. Người Cơ Tu có kinh nghiệm lấy vỏ cây chuồn, cây này có hai loại là Apăng và Zuôn. Lột vỏ hai loại cây này phơi khô, sau đó bỏ vào. Nó tăng nồng độ rượu, phần nữa không làm hỏng nước Tr’đin chảy ra. Thiếu vỏ chuồn thì sẽ không lấy được rượu. Nhưng bỏ càng nhiều vỏ chuồn rượu sẽ đắng, do đó phải bỏ vừa phải”. 

Xong hết các công đoạn, lúc này tôi và Zênh đi xuống, tay cầm can 5 lít rượu, từ đọt cây nhìn xuống phía dưới gốc cây, đá nằm lăn lóc phía dưới. Nếu không may mà rơi xuống thì bỏ mạng lại rừng xanh! 

Sau gần nửa ngày đi lấy Tr’đin, chúng tôi quay lại nhà Gươl thôn A Rằng 1, già làng Jim và một người trong làng đã chờ sẵn. Và không còn gì hơn, thành quả là một can rượu chừng 5 lít để mọi người thưởng thức. 

Từng đợt Tr’đin được rót ra chén (bát), già làng Jim mở lời: “Nhà báo cứ uống đi, Tr’đin không giống như rượu dưới xuôi mô. Tr’đin uống say không đau đầu, người Cơ Tu uống vài lít vào chẳng thấm thía vào đâu. Tr’đin được lấy từ thiên nhiên, không có chất hóa học, nên chẳng phải sợ”. 

Kỳ lạ chuyện đục cây lấy 'Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn' ảnh 4 Thu gom rượu mang về.

Uống Tr’đin không phải bằng ly, phải rót ra chén uống mới đã. Mỗi lần cứ “âm lúc” (trong tiếng Cơ Tu nghĩa là uống hết) thì mới sướng. Cầm chén rượu uống, cảm nhận là vị ngọt, chua, cay… cứ chảy vào. Thực sự nó rất dễ uống. 

Già Jim cho hay: Rượu Tr’đin có thể để được vài tháng nhưng phải thay vỏ cây chuồn thường xuyên. Như vậy để được lâu và uống ngon, không hỏng. Ngoài ra nếu không dùng hết một lúc tuyệt đối không múc dùng ít một, dễ bị chua, không để lâu được. 

Uống Tr’đin phải tuân thủ những nguyên tắc, vì là rượu của Yàng ban cho nên người Cơ Tu có tục lệ là khi uống rượu Tr’đin thì không đổ rượu thừa trong chén vào bếp tro nóng.

Kỳ lạ chuyện đục cây lấy 'Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn' ảnh 5 Bát rượu Tr’đin có màu đục.

Họ cho rằng làm như vậy Yàng sẽ phạt bằng cách làm cho cây Tr’đin ấy sẽ tắt nước hoặc không chảy nước trong một thời gian… 

Do đó người Cơ Tu hay dặn nhau khi ngà ngà hơi men cũng phải nhớ rõ điều này. Nếu ai lỡ quên mà đổ rượu thừa vào bếp thì coi như mùa lúa mới năm đó phải quay quắt, chông chênh trong nỗi thiếu vắng rượu Tr’đin. 

Càng uống, Tr’đin ngấm vào cơ thể và tất cả mọi người bắt đầu lâng lâng, già làng Jim buồn bã nói: Để có được chén rượu uống không ít người đã gặp nạn. Cây Tr’đin cao chót vót, để lấy rượu phải trèo lên. Nhất là nấc thang làm bằng lồ ô, giàn làm bằng cành cây nhưng lâu ngày bị mục nát. Do đó nhiều người khi trèo lên không để ý thì gãy thang, sập giàn rơi xuống. Trong làng cách đây 3 năm có người bị ngã gãy chân, giờ ngồi một chỗ.

Dọc dãy Trường Sơn từ tỉnh Thừa Thiên- Huế đến Quảng Ngãi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống và có nhiều loại rượu không cần nấu như: Rượu Đoác, Tà Vạt... Những thứ này đập phần cuống buồng quả hứng rượu, mỗi năm chỉ lấy được một khoảng thời gian nhất định trong năm. Còn Tr’đin chỉ ở Tây Giang mới có, người dân đục rượu quanh năm. Vào những dịp lễ hội, mọi người trong làng gom hàng trăm lít rượu để uống.

Theo Theo Nông Nghiệp Việt Nam
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.