'Kỳ án cướp đò trên sông Ka Long: Vì sao không đình chỉ điều tra bị can?

Khu vực Cổ Ngỗng (TP Móng Cái, Quảng Ninh) nơi xảy ra vụ cướp đò và kỳ án liên quan anh Bùi Mạnh Giáp
Khu vực Cổ Ngỗng (TP Móng Cái, Quảng Ninh) nơi xảy ra vụ cướp đò và kỳ án liên quan anh Bùi Mạnh Giáp
TP - Ngày 23/2, anh Bùi Mạnh Giáp (34 tuổi, trú huyện Mê Linh, Hà Nội), bị can vừa được tạm đình chỉ trong vụ “kỳ án” cướp đò trên sông Ka Long, cho biết anh đã gửi đơn khiếu nại quyết định tạm đình chỉ của Công an TP Móng Cái vì cho rằng lẽ ra phải đình chỉ điều tra đối với anh  mới đúng quy định của pháp luật.

Tạm đình chỉ sai căn cứ?

Trước đó, ngày 30/11/2016, Công an TP Móng Cái đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, Giáp được tại ngoại sau nhiều tháng bị tạm giam. Đến 6/2, trung tá Nguyễn Đức Long, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái, đã ký thông báo cho biết Cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Giáp. Thông báo này cho biết việc tạm đình chỉ căn cứ theo điều 160 của Bộ luật tố tụng hình sự do thời hạn điều tra đã hết, cơ quan điều tra chưa xác định được nhân thân Hà Xuân Quyền (một trong những cửu vạn làm cùng Giáp) và chưa triệu tập ghi lời khai của ông Tống Ân Hoa (bị hại người Trung Quốc).

Trong đơn khiếu nại, Giáp cho rằng Cơ quan CSĐT Công an TP Móng Cái ra quyết định tạm đình chỉ điều tra với những căn cứ nêu trên là hoàn toàn trái quy định của pháp luật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của anh. Theo đó, Giáp không chỉ đạo ai đi cướp tài sản rạng sáng 16/2/2012, cơ quan tố tụng TP Móng Cái buộc tội oan cho Giáp chỉ dựa trên lời khai của nhóm 5 cửu vạn bị buộc tội cướp gồm Nguyễn Quốc Cường (27 tuổi, quê Sơn La), Bùi Văn Lâm (28 tuổi, quê Hòa Bình), Lê Đình Đáng (25 tuổi, quê Hà Tĩnh), Nguyễn Ngọc Tùng (22 tuổi, quê Tuyên Quang), Hồ Văn Trung (26 tuổi, quê Nghệ An). Các nhân chứng gồm 5 cửu vạn khác là Hà Xuân Quyền, Bùi Văn Giang, Bùi Văn Đẳng, Vũ Văn Sinh, Ngô Văn Còn (Công) đã được Giáp khai rõ lai lịch có thể làm chứng Giáp không chỉ đạo ai đi cướp.

Theo điều 160 Bộ luật Tố tụng hình sự thì căn cứ tạm đình chỉ điều tra chỉ có 2 trường hợp. Một là khi bị can bị tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y. Hai là trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can ở đâu. Tuy nhiên, thông báo của Công an TP Móng Cái lại dẫn căn cứ để tạm đình chỉ không đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hai lần tạm đình chỉ

'Kỳ án cướp đò trên sông Ka Long: Vì sao không đình chỉ điều tra bị can? ảnh 1

Anh Bùi Mạnh Giáp, bị can vừa được tạm đình chỉ, cho biết anh đã khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra Công an Móng Cái.

Như Tiền Phong đã thông tin, rạng sáng 16/12/2012, tại khu vực Cổ Ngỗng sông Ka Long thuộc phường Hải Hoà (TP Móng Cái, Quảng Ninh) xảy ra vụ cướp đò điện tử của ông Tống Ân Hoa (người Trung Quốc). Sau đó, 10 cửu vạn làm cùng Giáp bị cán bộ biên phòng đồn Hải Hoà chặn trên đồi Cổ Ngỗng, 5 người bị bắt, 5 người khác chạy thoát. Công an TP Móng Cái đã thụ lý ban đầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can 6 người gồm Giáp, Cường, Lâm, Đáng, Tùng, Trung về tội cướp tài sản. Vụ án sau đó được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh thụ lý nhưng cuối tháng 12/2013, hết thời hạn điều tra không ra được kết luận điều tra theo luật định mà lại trả về cho Công an TP Móng Cái.

Công an TP Móng Cái tách vụ án, ra quyết định tạm đình chỉ điều tra cho Giáp tại ngoại vì 5 cửu vạn phản cung cho rằng Giáp không chỉ đạo họ đi cướp. Năm cửu vạn Cường, Lâm, Đáng, Tùng, Trung qua 2 cấp xét xử đã bị TAND tỉnh Quảng Ninh phạt 5-6 năm tù. Trong phiên phúc thẩm, các bị cáo này lại có lời khai cho rằng Giáp “chỉ đạo họ đi cướp”. Tháng 6/2015, Giáp bị bắt trở lại.

Phiên sơ thẩm ngày 26/11/2015, TAND TP Móng Cái tuyên phạt Giáp 7 năm tù tội cướp tài sản dù bị cáo kêu oan, 5 nhân chứng là 5 cửu vạn bị kết án cũng kêu oan cho Giáp. Phiên toà phúc thẩm ngày 15/4/2016, Giáp tiếp tục kêu oan, các nhân chứng tiếp tục khẳng định họ không thực hiện vụ cướp, Giáp không chỉ đạo họ đi cướp, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên trả hồ sơ điều tra lại.

Giáp cho rằng bản thân mình bị buộc tội chỉ dựa trên lời khai mâu thuẫn, bất nhất của 5 cửu vạn. Bốn năm qua anh đã 2 lần bị bắt tạm giam. “Tôi bị bắt rồi được thả, sau đó lại bị bắt rồi lại thả. Gần 30 tháng trong nhà tù, sức khoẻ và tinh thần của tôi rất suy sụp”, Giáp nói.

Điều 160 - Tạm đình chỉ điều tra

“1. Khi bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước khi hết hạn điều tra. Trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì chỉ tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra.

Trong trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra thì tạm đình chỉ điều tra và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.

Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.

Nếu không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra.

2. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bị hại”.

Điều 164 - Đình chỉ điều tra

“1. Trong trường hợp đình chỉ điều tra, bản kết luận điều tra nêu rõ quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra.

2. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây:

A) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật Hình sự;

B) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

(Nguồn: Bộ luật Tố tụng hình sự)

MỚI - NÓNG