Lật lại “kỳ án” cướp đò trên sông Ka Long

Các nhân chứng (từ trái qua) Tùng, Đáng, Trung, Cường, Lâm tại phiên tòa phúc thẩm xử Giáp.
Các nhân chứng (từ trái qua) Tùng, Đáng, Trung, Cường, Lâm tại phiên tòa phúc thẩm xử Giáp.
TP - vụ cướp đò trên sông Ka Long xảy ra tại TP Móng Cái, Quảng Ninh, trong số 11 người bị cho là đã tham gia vụ cướp, có 5 cửu vạn đang thi hành án, người bị quy kết “cầm đầu vụ cướp” bị tòa sơ thẩm xử 7 năm.

Như Tiền Phong đã thông tin vụ cướp đò trên sông Ka Long (số ra ngày 19/4) xảy ra tại TP Móng Cái, Quảng Ninh, trong số 11 người bị cho là đã tham gia vụ cướp, có 5 cửu vạn đang thi hành án, người bị quy kết “cầm đầu vụ cướp” bị tòa sơ thẩm xử 7 năm nhưng tòa phúc thẩm mới đây đã chính thức hủy án điều tra lại. Tìm hiểu vụ án, nhiều nhân chứng khẳng định nhóm cửu vạn này bị buộc tội oan bởi khi xảy ra vụ cướp, họ đang chờ bốc hàng nơi cách hiện trường vụ cướp một vách đồi.

Bài 1: Bị ép cung, đành nhận tội?

Ngoài lời khai mâu thuẫn, biên bản bắt người phạm tội quả tang do cán bộ Đồn Biên phòng Hải Hòa lập vị trí bắt giữ được mô tả cũng mâu thuẫn nhau, biên bản này cũng mâu thuẫn với các tài liệu khác trong hồ sơ vụ án về việc truy đuổi, bắt giữ. Liệu biên bản “quả tang” này có phải là “sản phẩm” của việc ép cung như biên bản truy tìm vật chứng được ngụy tạo?

Lời nhận tội mâu thuẫn

Vụ cướp đò xảy ra cuối năm 2012 tại bờ kè Cổ Ngỗng trên sông Ka Long, Công an TP Móng Cái điều tra ban đầu, khởi tố 6 bị can về tội cướp tài sản, gồm: Bùi Mạnh Giáp (33 tuổi, quê Mê Linh, Hà Nội), Nguyễn Quốc Cường (27 tuổi, quê Sơn La), Bùi Văn Lâm (28 tuổi, quê Hòa Bình), Lê Đình Đáng (25 tuổi, quê Hà Tĩnh), Nguyễn Ngọc Tùng (22 tuổi, quê Tuyên Quang), Hồ Văn Trung (26 tuổi, quê Nghệ An). Sau đó Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Quảng Ninh thụ lý. Kết thúc thời hạn một năm điều tra, tháng 12/2013, PC45 không ra kết luận điều tra theo quy định tại Điều 162 Bộ luật Tố tụng Hình sự mà chuyển lại hồ sơ cho Công an TP Móng Cái. Dư luận đặt câu hỏi có phải vì không đủ căn cứ buộc tội nên PC45 trả hồ sơ cho cấp dưới để “né” trách nhiệm?

Tiếp nhận lại vụ án, do không có căn cứ buộc tội, Công an TP Móng Cái tách vụ án, tạm đình chỉ Giáp. 5 cửu vạn bị truy tố tội cướp tài sản, bị tòa án Móng Cái xử mức án 9-10 năm tù, tòa án tỉnh Quảng Ninh xử phúc thẩm giảm còn 5-6 năm. Sau đó, tháng 6/2015, Giáp bị phục hồi điều tra, tòa án Móng Cái xử 7 năm tù nhưng tòa án tỉnh Quảng Ninh tuyên hủy án vì nhân chứng là nhóm cửu vạn đang thụ án kêu oan cho Giáp và cho chính họ. Trong khi chứng cứ, lời khai làm căn cứ buộc tội nhóm cửu vạn đầy mâu thuẫn.              

Cụ thể nhóm này có người khai Cường khống chế chủ đò, người khai chỉ Lâm và Đáng khống chế, rồi người khai cả 5 người khống chế. Tùng còn khai nhóm này xuống cướp 2 đò. Lời khai việc khởi xướng vụ cướp cũng mâu thuẫn, người thì khai nhóm cửu vạn nhìn thấy đò trong đêm nên bàn nhau đi cướp, người khai Giáp khởi xướng, người lại khai khi ra chờ không có hàng bốc nhóm cửu vạn mới rủ nhau cướp đò.

Nhân chứng Vũ Đình Trưởng (34 tuổi, trú TP Móng Cái), quản lý nhóm cửu vạn làm cùng nhóm Giáp, khẳng định đêm 15/12/2012, sau khi bốc hàng ở bên Trung Quốc (đối diện khu Z1) cả 2 nhóm cửu vạn đi cùng một xe ô tô về phòng trọ, vì thế không có chuyện nhóm cửu vạn này cướp đò. Thực tế, cung đường này cách xa khu vực bờ kè Cổ Ngỗng trên sông Ka Long, khuất tầm nhìn, lúc nửa đêm không thể nhìn thấy đò đậu trên sông để bàn nhau đi cướp như cơ quan tố tụng cáo buộc.

Phát hiện “quả tang” từ xa  

Trong cáo trạng, VKSND TP Móng Cái xác định khi nhóm Cường đang cướp tài sản thì bị lực lượng biên phòng phát hiện “bắt quả tang”. Tuy nhiên, tài liệu trong hồ sơ vụ án lại thể hiện có tới 3 vị trí “bắt quả tang” khác nhau.  Cụ thể việc “bắt quả tang” được thực hiện ngay khi các đối tượng chuyển 3 bao hàng lên bờ, tức là vị trí này ở ngay bờ sông giáp con đò, như cáo trạng xác định.

Nhưng nội dung khác lại mô tả vị trí bắt giữ trên đồi Cổ Ngỗng, sau khi các đối tượng đã “chạy lên đồi rậm lẩn trốn, biên phòng truy đuổi khoảng 80m”. Còn sơ đồ hiện trường vụ án lại xác định vị trí bắt quả tang cách bờ sông tới 180m.

Mặt khác, thời điểm xảy ra vụ cướp, tổ biên phòng 3 người đang ở trạm Bến Xuồng, cách vị trí con đò bị cướp ít nhất 60m. Khi biên phòng phát hiện, đối tượng cướp đã bỏ chạy, tức là biên phòng không tiếp cận, không nhận biết được đối tượng cướp thực sự thời điểm đó thì việc bắt nhầm là khó tránh khỏi.

Lật lại “kỳ án” cướp đò trên sông Ka Long ảnh 1

Bản tường trình của anh Vũ Đình Trưởng khẳng định các cửu vạn đang thụ án tù không tham gia vụ cướp đò xảy ra trên sông Ka Long ( Móng Cái, Quảng Ninh) đêm 15/12/2012.

Trong các lời khai phản cung tại cơ quan điều tra và tại tòa, nhóm cửu vạn khẳng định rạng sáng hôm đó họ ra bờ sông chờ bốc hàng nhưng do nước cạn không bốc được, họ ra về đến đỉnh đồi Cổ Ngỗng bị biên phòng chặn lại yêu cầu về đồn làm việc chứ không có việc “bắt quả tang”. Nhóm cửu vạn khai biên bản bắt người phạm tội quả tang biên phòng lập sau 2 ngày bắt họ về đồn ép ký, chứ không phải lập lúc 3 giờ sáng 16/12/2012 như ghi trong biên bản. Đặc biệt, tại tòa, Cường còn khai trong thời gian tạm giam có bạn tù tên Linh đã nhận gây ra vụ cướp đò rạng sáng 16/12/2012.

Cũng chính do việc “bắt quả tang” đầy uẩn khúc này nên quá trình điều tra, ngày 15/10/2013, PC45 Công an tỉnh Quảng Ninh phải có văn bản yêu cầu Đồn biên phòng Hải Hòa làm rõ: Có truy đuổi liên tục không? Bắt từng đối tượng ở vị trí nào? Thu giữ vật chứng ở vị trí nào? Khi truy đuổi có xác định được đối tượng nào mang vác các bao hàng cướp được không? Biên phòng thừa nhận khi bắt nhóm cửu vạn không bắt được tang vật vì các bao hàng trong bụi rậm. Biên phòng cũng thừa nhận không xác định được ai mang vác hàng cướp được vì… trời tối.

Dấu hiệu ép cung

Quá trình điều tra tại Công an tỉnh Quảng Ninh, ngoại trừ Hồ Văn Trung - cửu vạn có dấu hiệu hạn chế về nhận thức đã không có phản ứng gì, 4 cửu vạn còn lại là Cường, Lâm, Đáng, Tùng đã kêu oan cho rằng họ nhận tội là do bị biên phòng đánh, ép khai theo hướng dẫn. “Biên phòng hỏi tôi có tham gia vụ cướp không, tôi bảo không thì bị họ đánh”-Tùng khai. Về lời khai Giáp chủ mưu vụ cướp, Cường khai: “Tôi khai anh Giáp là người quản lý nhóm bốc vác. Cán bộ biên phòng đánh, bắt tôi phải khai Giáp chỉ đạo”.

Cường, Lâm khai biên bản truy tìm vật chứng cũng do biên phòng lập sẵn rồi bắt họ ký vào. Biên bản truy tìm vật chứng lập hồi 10 giờ ngày 17/12/2012, hai cán bộ biên phòng là thiếu tá Phạm Minh Thống và đại úy Nguyễn Văn Giang có dẫn Cường, Lâm đi truy tìm vật chứng là hung khí, dụng cụ gây án nhưng khi trả lời công văn của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh, Đồn Biên phòng Hải Hòa thừa nhận “khi truy tìm vật chứng của vụ án, cán bộ tham gia truy tìm không đưa Nguyễn Quốc Cường và Bùi Văn Lâm đi cùng”. Điều này thể hiện lời khai nhóm cửu vạn bị ép cung bắt phải nhận tội tại Đồn Biên phòng Hải Hòa là có cơ sở.

5 “Đồng phạm” chạy thoát gồm Vũ Văn Sinh (21 tuổi, quê Hải Dương), Bùi Văn Giang (50 tuổi), Bùi Văn Đẳng (32 tuổi, cùng quê Hòa Bình), Ngô Văn Công (30 tuổi), Hà Xuân Quyền (24 tuổi, cùng quê Lạng Sơn) đã được Giáp khai báo lai lịch đầy đủ nhưng cơ quan tố tụng lại “bỏ lọt” với lý do không xác định được lai lịch. Phải chăng cơ quan tố tụng biết nhóm cửu vạn bị oan nên không dám gán tội oan thêm 5 người nữa?

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.