Xây dựng Luật công nghiệp trọng điểm:

Kỳ 2: Tạo “bệ đỡ” cho doanh nghiệp phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ trước đến nay công nghiệp hỗ trợ được Đảng và Nhà nước thúc đẩy phát triển nhiều nhưng chưa hiệu quả do mới chỉ dừng lại ở các Nghị định, Quyết định. Luật Công nghiệp trọng điểm ra đời được kỳ vọng là “bệ đỡ” để doanh nghiệp phát triển với cơ chế, chính sách chi tiết, cụ thể.

Phát triển thị trường cho sản phẩm công nghiệp

Trong bối cảnh, doanh nghiệp công nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, sức cầu suy giảm, cạnh tranh giữa các nhà cung cấp ngày càng gia tăng, dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm đưa ra nhiều chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp cho các doanh nghiệp trong nước.

Tiêu biểu như việc phát triển thị trường cho sản phẩm công nghiệp, Dự thảo Luật xây dựng theo hướng, khi mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước của cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghiệp trong nước đã sản xuất được.

Cùng với đó, dự thảo luật đề xuất chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực quốc gia được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức hỗ trợ tín dụng như: được nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay trung và dài hạn của doanh nghiệp để đầu tư dự án sản xuất từ nguồn ngân sách Trung ương. Doanh nghiệp cũng được trực tiếp hỗ trợ lãi vay nhằm đầu tư các dự án sản xuất từ nguồn ngân sách địa phương.

Ngoài ra, ngân sách nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực quốc gia được bố trí trong dự toán vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển công nghiệp của Việt Nam. "Xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế", ông Sáng đánh giá.

Là một trong các ngành công nghiệp được nhắc tới trong Dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kiến nghị một số chính sách nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp dệt may trong ngắn hạn. Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam mong muốn cơ quan chức năng tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.

"Các doanh nghiệp dệt may đề xuất ngân hàng cung cấp gói vay ưu đãi với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc trả lương cho người lao động. Điều này giúp giảm bớt chi phí tài chính cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và phát triển nhân sự", đại diện VITAS kiến nghị.

Kỳ 2: Tạo “bệ đỡ” cho doanh nghiệp phát triển ảnh 1

Dự thảo Luật Công nghiệp trọng điểm đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong ảnh, một doanh nghiệp cơ khí. Ảnh: Như Ý

Chính sách cần tạo sức bật cho doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần chính sách mới để tạo sức bật và thúc đẩy phát triển bền vững. Những chính sách này cần tập trung vào hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp trọng điểm, thúc đẩy sự liên kết ngành và nâng cao chất lượng sản xuất.

Các chính sách được đưa ra sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong nước, nhất là đầu tư vào ngành công nghiệp có vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ đối với đầu tư và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan có thể thu hút các dự án đầu tư mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.

“Doanh nghiệp cần mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội thương mại với các quốc gia trong và ngoài khu vực, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm nguồn lực và tiềm năng phát triển mới. Chính sách hỗ trợ sẽ góp phần giúp doanh nghiệp trở thành đầu tàu và tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả cạnh tranh của cả nền kinh tế”, ông Long cho biết.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, dự án Luật Công nghiệp trọng điểm đặt mục tiêu cao hơn là dẫn dắt, lan toả. Như vậy có thể trùng về lĩnh vực nhưng không trùng định hướng, tương tự như việc trùng hình thức nhưng không trùng về nội dung. Thậm chí phải tính đến cả nguyên tắc phối hợp ban hành chính sách để có thể đảm bảo tính nhất quán mà chúng ta đã xác định. Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh đến một số ngành công nghiệp trọng điểm mang tính chất nền tảng, đẩy mạnh một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

“Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm cần những chính sách mang tính chất hỗ trợ chung, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách thức thực hiện ưu đãi đối với doanh nghiệp nên tránh hành chính hoá, tạo ra những rào cản mà nên sử dụng công nghệ và những cách thức thị trường, nên ưu đãi theo kết quả đầu ra. Ví dụ, chúng ta muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát minh sáng chế có thể triển khai theo cách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư để nghiên cứu tạo ra phát minh sáng chế và để tránh việc lạm dụng phải đặt ra các tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục hành chính”, ông Hiếu lưu ý.

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố Hà Nội tiến độ lập báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hoàn thiện và thực hiện trong thời gian tới, trong đó có dự án đường trên cao Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.