Những ngày cuối tháng 4/1993, Công ty Tư vấn đầu tư và thương mại Việt Nam - Mỹ (VATICO) của doanh nhân James Rockwell khai trương văn phòng đại diện trên phố Nguyễn Khuyến, một con phố nhỏ ở trung tâm Hà Nội. Đây là công ty Mỹ đầu tiên hiện diện tại Việt Nam, chưa đầy 6 tháng sau khi người đứng đầu nước Mỹ khi đó cho phép hoạt động này.
Hơn 20 năm sau, ông Barack Obama vừa kết thúc chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Việt Nam, nơi ông trở thành vị Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ đặt chân kể từ khi 2 nước chính thức bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Một điều trùng hợp là các chuyến thăm này đều diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa 2 nước có những bước chuyển đáng kể: Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA) được ký trước chuyến thăm của Tổng thống Clinton, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm Tổng thống Bush tới Hà Nội hay vừa qua là việc lãnh đạo 2 nước cùng đặt bút ký vào hiệp định thương mại tự do lịch sử - TPP.
Quan hệ kinh tế qua 3 lần Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam
Qua 3 đời Tổng thống Mỹ, quan hệ thương mại 2 nước đã có những tăng trưởng thần kỳ. Số liệu chính thức được Bộ Ngoại giao nước này cho thấy từ con số 451 triệu USD năm 1995, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa 2 nền kinh tế sẽ tăng gần 100 lần, lên khoảng 45 tỷ USD năm nay. Trước đó, con số thực tế đạt được trong năm 2015 được cơ quan thống kê Việt Nam đưa ra là 41,3 tỷ USD.
Dù cần tính đến yếu tố giá trị gia tăng khi một phần không nhỏ kim ngạch là các sản phẩm gia công, nhưng nhìn chung trong mối quan hệ này, Việt Nam từ lâu được xem là bên "thắng thế". Trong một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư Mỹ mới đây tại Hà Nội, Tham tán thương mại Stuart Schaag cho biết Việt Nam là quốc gia duy nhất Mỹ chịu thâm hụt thương mại ở cả giá trị tuyệt đối và tương đối. "Cứ mỗi đôla hàng hóa Mỹ xuất sang thì Việt Nam lại xuất ngược lại 5,4 đôla", Tham tán Stuart nói.
Báo chí Mỹ gần đây trích dẫn số liệu cho thấy mỗi năm, có khoảng 10 triệu đôi giày "Made in Vietnam" được đặt lên các kệ hàng khắp cả nước, từ các cửa hiệu của Nike hay những hệ thống bán lẻ như Macy's, Walmart hay Target. Con số này chiếm khoảng 13% thị phần giày nhập khẩu của Mỹ và chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy các mặt hàng tiêu dùng (da giày, đồ gỗ) hay thực phẩm... của Việt Nam đang ngày càng phổ biến tại đây.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Mỹ cũng nhanh chóng nhận thấy tiềm năng của một thị trường đang phát triển với 90 triệu dân của Việt Nam. Năm 2015, xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam tăng trưởng 23%, cao nhất trong 50 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ (tính trung bình giai đoạn 2010-2015, Việt Nam cũng là thị trường tăng trưởng nhanh thứ 2).Theo số liệu năm 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này có 6.031 doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam và 5.895 doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) thì ước tính kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nền kinh tế đạt xấp xỉ 57 tỷ USD vào năm 2020.
Khác với các sản phẩm hướng tới thị trường tiêu dùng của doanh nghiệp Việt, ưu thế xuất khẩu của doanh nghiệp Mỹ lại là các mặt hàng công nghệ cao, giá trị lớn, giúp họ có được những khoản tiền khổng lồ chỉ sau một vài thương vụ. Riêng trong chuyến thăm của Tổng thống Obama, các doanh nghiệp nước này đã giành được những hợp đồng thương mại trị giá hơn 16 tỷ USD trong lĩnh vực hàng không và năng lượng.
Cùng với thương mại, hoạt động đầu tư giữa 2 nước cũng có những bước tiến đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Từ con số xấp xỉ một tỷ USD khi Tổng thống Clinton thăm Việt Nam năm 1996, hiện doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD tại đây. Các dự án cũng đa dạng từ công nghệ cao với quy mô cả tỷ USD của Intel, đến giáo dục với việc Đại học Fulbright được cấp phép vừa qua...
Tuy nhiên khi đánh giá về hoạt động này, lãnh đạo cũng như giới doanh nghiệp 2 nước đều cho rằng con số nêu trên thực sự chưa xứng đáng với tiềm năng. Trao đổi với VnExpress, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc cho rằng dù đã có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua, song đến nay, các nhà đầu tư Mỹ mới đứng thứ 8 trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. "Chúng tôi kỳ vọng Mỹ phải trở thành nhà đầu tư số một vào Việt Nam trong thời gian tới", ông Lộc kỳ vọng.
Ở chiều ngược lại, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), đến cuối năm 2015, cơ quan quản lý đã cấp 40 giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam thì thị trường Mỹ dẫn đầu với 9 dự án, song số vốn đăng ký còn rất khiêm tốn, chỉ trên 50 triệu USD.
Tuy vậy, chuyến công du vừa kết thúc của Tổng thống Mỹ Obama, cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà đại diện Chính phủ 2 nước vừa đặt bút ký hồi cuối năm ngoái đã tiếp tục mở ra những chương mới cho hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt - Mỹ.
Trong lịch trình sôi động tại Việt Nam, người đứng đầu nước Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP cũng như lợi ích mà nó mang lại cho kinh tế 2 nước, cho khu vực và thế giới. Theo đó, với sự tiến bộ và toàn diện của hiệp định, nó sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.
Trong khi đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, kim ngạch thương mại và đầu tư Việt - Mỹ sau TPP chắc chắn sẽ tăng mạnh nhờ việc gỡ bỏ những hàng rào thuế quan. Mức thuế 18% mà hàng dệt may của Việt Nam phải chịu khi vào Mỹ sẽ giảm xuống 0% là một ví dụ được chuyên gia này đưa ra cho thấy những lợi thế mà Việt Nam được hưởng.
"Tôi tin rằng, việc đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu thiết bị, phụ tùng máy móc. Khi đó, chúng ta có điều kiện nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị công nghệ cao một cách dễ dàng hơn. Đồng thời, những công nghệ dù giá rẻ nhưng gây ảnh hưởng tới môi trường và sử dụng nhiều năng lượng sẽ giảm dần", vị này phân tích thêm.
Tuy vậy, để đạt tới tương lai này, cả 2 nước sẽ còn phải trải qua nhiều thách thức. Với Mỹ, đó là việc thông qua TPP khi ông Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ, trong khi các chính trị gia đang dẫn đầu cuộc đua và Nhà trắng lúc này vẫn còn quan điểm rất khác nhau về hiệp định. Trong khi đó, thách thức đối với Việt Nam là khả năng tận dụng những cơ hội mà TPP mang lại trong bối cảnh sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
"Dù còn nhiều thách thức từ các chính trị gia tại Mỹ, song tôi tự tin rằng TPP cuối cùng cũng sẽ được thực thi. Với Việt Nam, tôi có thể nói rằng. Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp Việt Nam hòa nhập và thực thi đầy đủ các cam kết của TPP", Tổng thống Mỹ Obama phát biểu trước 2.000 trí thức và doanh nhân tại Hà Nội ngày 24/5.