Kiềm tỏa lạm phát cần sớm giảm giá xăng, dầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giá xăng dầu tăng cao đã khiến nhiều loại hàng hóa tăng giá theo. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang nỗ lực để kìm đà tăng giá hàng tiêu dùng. Trong khi đó, các chuyên gia đề nghị, cần sớm giảm giá xăng dầu để góp phần bình ổn giá hàng hóa, tránh nguy cơ lạm phát.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Sau khi giá xăng tăng, đủ loại hàng hoá đã tăng theo, nhiều loại hàng hóa tăng giá kiểu tát nước theo mưa. Khảo sát của PV Tiền Phong tại chợ truyền thống ở Hà Nội như Chợ Hôm (Hai Bà Trưng), chợ Việt Hưng (Long Biên)… thấy giá rau củ thịt đều tăng. Giá thịt lợn, cá tươi tăng 10.000 đồng/kg. Thịt nạc vai lợn giá đã lên mức 120.000 đồng/kg, sườn 130.000 đồng/kg.

Các loại cá trắm, chép, rô phi dao động từ 70.000 - 85.000 đồng/kg. Gà ta nguyên lông cũng tăng giá 10.000 đồng/kg với giá bán từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/kg; trứng gà từ 4.000 đồng/quả lên 6.000 đồng/quả...

Kiềm tỏa lạm phát cần sớm giảm giá xăng, dầu ảnh 1

Nhiều mặt hàng thiết yếu lập mặt bằng giá mới, dầu ăn giá đã tăng trong nhiều tuần qua Ảnh: PV

Chị Phạm Thị Hiền, tiểu thương bán thịt tại chợ Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, giá lợn hơi không tăng nhưng giá xăng dầu tăng khiến chi phí vận chuyển từ trang trại tới lò mổ và từ lò mổ tới chợ tăng theo. Để bù đắp phần tăng này, tiểu thương đành tăng giá bán thịt.

“Trước đây, chúng tôi chỉ mất khoảng 100.000 đồng tiền xăng vận chuyển thịt từ lò mổ tới chợ thì nay cũng quãng đường như vậy, tiền xăng tăng lên 140.000 đồng. Phí vận chuyển từ trang trại tới lò mổ cũng vậy. Dù biết tăng giá sẽ mất khách mua nhưng không còn cách nào khác”, chị Hiền nói.

Ông Lê Đức Dũng, Giám đốc Công ty rau quả Linh Ngọc (Sơn La) cho biết, sau 2 năm vật lộn với dịch bệnh với đủ khó khăn, bước sang năm 2022, công ty đối mặt với “bão giá”. Giá xăng dầu liên tiếp tăng cao, khiến chi phí vận chuyển rau củ tới nơi tiêu thụ tăng 20-30%.

“Dù cắt giảm tối đa lợi nhuận nhưng chúng tôi không thể bù vào chi phí sản xuất, vận chuyển. Chúng tôi đã báo với khách hàng sẽ tăng giá khoảng 10% sản phẩm từ cuối tháng 3. Số lượng đơn hàng giảm nhiều sau khi có thông tin tăng giá nhưng phải chấp nhận. Bởi không tăng giá thì doanh nghiệp càng làm càng lỗ”, ông Dũng cho biết.

Chị Bích Nga, chủ cửa hàng tạp hoá trên phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cho biết, một tuần nay, đường, sữa, dầu ăn, mỳ tôm, mắm, bia... tăng 10-30% so với đầu năm. Giá đường từ 18.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, dầu ăn từ 37.000 đồng/lít lên 46.000 đồng/lít; sữa tươi TH True Milk ít đường giá 395.000 nghìn đồng/thùng (tăng 70.000 đồng), sữa Vinamilk có giá 340.000 nghìn đồng/thùng 48 hộp 180ml (tăng 40.000 đồng)...

Ngoài ra, vật liệu xây dựng từ xi măng, cát, đá, nhôm, kính, đặc biệt là sắt, thép tăng giá mạnh khiến nhiều người điêu đứng. Tại các cửa hàng vật liệu xây dựng, giá thép cuộn D6 và D8 của tất cả các thương hiệu phổ biến đều tăng thêm 600.000 - 900.000 đồng/tấn. Cụ thể, thép Việt Nhật là 21 triệu đồng/tấn, thép Hòa Phát lên 20,4 triệu đồng/tấn, Pomina lên 20,8 triệu đồng/tấn. So với cuối năm 2021, giá thép các loại đã tăng hơn 3 triệu đồng/tấn và cao hơn đỉnh của năm 2021.

“Nhiều người đang xây dựng nhà cửa rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì giá vật liệu xây dựng đội lên gấp rưỡi dự tính ban đầu. Không thể bỏ dở công trình mà làm tiếp thì phải vay mượn. Các công ty kinh doanh vật liệu xây dựng mất đi nhiều khách hàng”, ông Trịnh Văn, chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở Long Biên (Hà Nội) chia sẻ.

Tại TPHCM, ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), giá dầu ăn mỗi chai 1 lít vừa tăng thêm 4.000-5.000 đồng. Từ tháng 3, nhiều loại mỳ tôm cũng đã tăng giá 10%. Đến cả gói mì cũng tăng giá, trong đó Omachi, Hảo Hảo, Đệ Nhất... tăng 1.000-2.000 đồng/gói.

Đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết: từ năm 2015 trở lại đây, lạm phát được kiểm soát tốt, dao động từ 2-3%/năm; trong đó, lạm phát lõi chỉ 1-2%. Từ ngày 25/2 tới nay, giá dầu thô thế giới tăng quá nhanh và đột biến, kéo theo đà tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản khác trên thị trường như sắt thép, phân bón, than đá… và tạo áp lực lớn lên lạm phát.

Còn tại chợ Hòa Hưng (quận 10), chị Thu Trang (tiểu thương ngành thực phẩm) cho biết, dầu ăn tháng trước có giá 46.000 đồng/lít, cách đây một tuần, nhà cung cấp báo cửa hàng phải bán với giá 48.000 đồng/chai/lít. Mới hôm qua, họ lại phải bán 50.000 đồng/chai/lít.

Có khá nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá hàng chục phần trăm so với cùng kỳ năm 2021, như đường cát trắng giá từ 18.000 đồng/kg (năm 2021) nay đã lên 30.000 đồng/kg, tăng 67%. Đối với các mặt hàng sữa, sản phẩm dinh dưỡng cũng thiết lập mặt bằng giá mới. Nhiều nhà phân phối, doanh nghiệp chế biến sữa đã thông báo tăng giá hàng chục mặt hàng sữa.

Giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường tăng đã và đang “đe dọa” tới lạm phát. Trong mức lạm phát 1,6% của 2 tháng đầu năm 2022, sự tăng giá của xăng dầu đóng góp tới 1,63%. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu tăng 10% khiến lạm phát tăng 0,36%.

Nỗ lực ghìm giá

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, hiện nay nhiều nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu đã đề nghị tăng giá nhưng các siêu thị chưa điều chỉnh giá bán, họ chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí để giữ mức giá cũ.

Hệ thống Co.op Mart giảm giá 15-50% thịt heo, rau củ, trái cây…. Hệ thống bán lẻ của Central Retail triển khai chương trình “siêu tiết kiệm” trong tháng 3 với hàng trăm mặt hàng giảm giá tới 50% từ thực phẩm tươi sống đến hàng thiết yếu.

“Xăng dầu liên tục tăng giá dịp sau Tết đã ít nhiều ảnh hưởng đến các nhà cung cấp hàng cho siêu thị. Chúng tôi rất khó đoán định mặt bằng giá sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail cho biết.

Ban quản lý các chợ truyền thống cũng thường xuyên nhắc nhở tiểu thương niêm yết giá, tìm kiếm thêm nguồn hàng cung ứng giá cả phải chăng phục vụ người tiêu dùng. “Chúng tôi luôn nhắc tiểu thương tìm thêm các đầu mối cung ứng để có giá bán hàng tốt nhất, để khách hàng yên tâm mua sắm”, ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban quản lý chợ Bình Thới (TPHCM) nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, để nỗ lực giảm giá, ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ cho rằng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh biện pháp bình ổn giá, bảo đảm kiểm soát thị trường, trong đó, cần tổ chức những điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là tại khu công nghiệp, khu dân cư đông người.

Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần cân đối giảm thuế, phí để kéo giá xăng dầu xuống, với những biện pháp như vậy thì may ra mới bình ổn được thị trường, ngăn chặn đà tăng giá hàng hóa.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM thì cho hay, thành phố có chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Các DN tham gia đã cam kết giữ giá hàng hoá, không tăng giá đến cuối tháng 3 này. “Các DN bán lẻ hiện đại đã nhận được nhiều đề xuất điều chỉnh tăng giá của các nhà cung cấp.

Tuy nhiên, đến nay gần như chưa có đề nghị nào được hệ thống phân phối xem xét điều chỉnh. Các hệ thống phân phối đang rà soát, kiểm tra tính toán các yếu tố đầu vào, các đề xuất và nếu có cơ sở, hợp lý thì mới xem xét điều chỉnh”, ông Phương nói.

Tháo “ngòi nổ” xăng dầu

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã chỉ ra các yếu tố “đe dọa” lạm phát năm 2022. Theo đó, sau khi cơ bản khống chế thành công đại dịch, tổng cầu của nền kinh tế bắt đầu tăng. Trong đó, việc giải ngân gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng tác động rất lớn tới tổng cầu của toàn xã hội. Việc Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu trong bối cảnh nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao đang khiến giá nhập khẩu sẽ tăng theo. Điều này tạo nên chi phí đẩy, nhập khẩu lạm phát.

Theo các chuyên gia, để tháo “ngòi nổ” lạm phát, việc kiểm soát nguồn cung và tìm giải pháp giảm giá xăng dầu như miễn giảm các loại thuế mà mặt hàng này đang gánh chịu là một trong những biện pháp căn cơ. Trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, thuế phí chiếm tỷ trọng lớn nên giải pháp miễn giảm các loại phí được đưa ra đầu tiên.

“Để kiểm soát được lạm phát, trước hết cần phải đảm bảo nguồn cung, nhất là nguồn cung xăng dầu. Giá xăng dầu giảm sẽ giảm bớt áp lực tăng giá của nhiều ngành như vận tải, từ đó, góp phần giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, công tác điều hành cần phải kịp thời hơn, đúng thời điểm và hiệu quả”, ông Nguyễn Bích Lâm kiến nghị.

MỚI - NÓNG