Phó Thủ tướng: Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm việc cây xăng đóng cửa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chính phủ đã giao cho thanh tra, các cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ việc dự trữ xăng dầu có thực hiện theo đúng quy định không? "Việc đóng cửa một số cửa hàng phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, để xử lý bằng được", ông Thành nói.

Chưa tự chủ nguồn

Cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan tình hình cung ứng, quản lý, điều hành giá xăng dầu.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay, đã có đầy đủ công cụ pháp lý, đủ điều kiện để quản lý chặt chẽ, ổn định, đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu cho đời sống sản xuất.

"Tuy nhiên, phải khẳng định mặt hàng xăng dầu chúng ta chưa tự chủ nguồn, vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu rất nhiều", ông Thành nêu.

Cụ thể, theo ông Thành, hiện nước ta mới có 2 nhà máy lọc hoá dầu là Nhà máy Bình Sơn (cung ứng 35% - 7 triệu tấn xăng dầu 1 năm) đưa vào sản xuất từ năm 2009; và nhà máy Nghi Sơn đưa vào sản xuất từ năm 2018.

"Cả hai nhà máy đạt được khoảng 13 triệu tấn xăng dầu 1 năm trong khi đó nhu cầu cỡ 20 – 21 triệu tấn/năm. Như vậy là khi xăng dầu thế giới tăng thì xăng dầu trong nước tăng", ông Thành thông tin.

Phó Thủ tướng cũng nêu, một vấn đề quan trọng nữa "là bản thân nguồn dầu thô cho các nhà máy vẫn phải nhập khẩu. Dầu thô của ta chưa đáp ứng được yêu cầu".

"Phải khẳng định rằng, dự trữ xăng dầu trong thời gian vừa qua là đáp ứng được yêu cầu như các quy định về điều hành, dự trữ. Tôi đã làm việc trực tiếp với Bộ Công Thương, dự trữ xăng dầu đến ngày 10/2 vẫn còn khoảng 1,2 triệu tấn, cùng với sản xuất trong tháng 2 khoảng 0,9 triệu tấn. Cộng nhập khẩu thêm khoảng 0,9 triệu tấn là có 3 triệu tấn. Trong khi nhu cầu 1 tháng hiện nay khoảng 1,8 triệu tấn", ông Thành phân tích.

Làm rõ tình trạng cửa hàng xăng đóng cửa

Phó Thủ tướng nêu, có 2 vấn đề cử tri và doanh nghiệp rất quan tâm, một là có tình trạng cây xăng đóng cửa không bán hàng; thứ hai là giá tăng liên tục trong nhiều kỳ, cần làm rõ nguyên nhân để cử tri, nhân dân hiểu rõ.

Ông Thành nêu, về giá xăng tăng cao, có hai vấn đề. Một là sản xuất của Nhà máy Nghi Sơn sản lượng bị suy giảm dẫn tới một số cửa hàng đóng cửa. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các kênh phân phối làm chưa tốt. Tỷ lệ cửa hàng đóng cửa nhỏ, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người dân và người tiêu dùng, họ lo ngại thiếu xăng dầu. Nhưng như đã nói, cả dự trữ, sản xuất, nhập khẩu đã có khoảng 3 triệu tấn.

“Tinh thần là có đầy đủ cơ chế, chính sách để quản lý, bình ổn giá xăng dầu trong thời gian tới đây, cả giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Nhưng cũng phải khẳng định cơ chế thị trường, giá của thế giới tăng thì giá của Việt Nam cũng tăng, nhưng tăng tới chừng nào thì kiểm soát được lạm phát, theo hướng như vậy", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Vấn đề thứ hai, chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường định hướng có sự quản lý. Chính phủ đã chỉ đạo phải đảm bảo được hai yếu tố, một là đủ lượng xăng dầu phục vụ cho mọi mặt đời sống. "Đến nay khẳng định là có đủ", ông Thành nói, đồng thời nêu, mặt thứ hai là gía cả vận hành theo thị trường, nhưng có kiểm soát.

Phó Thủ tướng nêu, có hai nhóm giải pháp. Trước mắt, Chính phủ đã họp, điều chỉnh, điều hành 3 lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối. Nhà máy Bình Sơn đã tăng sản xuất lên 105%. Nhà máy Nghi Sơn đã có cam kết phục hồi trở lại. Vấn đề nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản phân cho các ngành, các nhà phân phối nhập khẩu lên khoảng 2,4 triệu tấn. "Xuất khẩu và nhập khẩu đã kiểm soát. Bảo đảm cơ số dự trữ 2-3 tháng", ông Thành nêu.

Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã giao cho thanh tra, các cơ quan pháp luật làm rõ việc dự trữ hiện có theo đúng quy định không. Việc đóng cửa một số cửa hàng phải làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm để xử lý cho bằng được.

Phó Thủ tướng cũng nêu, có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này, ví dụ như kênh phân phối số 1 giao một giá, khi bán lại theo giá cố định thì các cửa hàng không còn lợi nhuận, họ dừng, không bán hàng nữa. Vì thế, việc điều chỉnh giá ở các kênh phân phối cần được kiểm soát. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật rà soát, vào cuộc.

Sẽ có thêm nhà máy lọc dầu

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, xăng dầu là mặt hàng phải kiểm soát và bình ổn giá. Trước hết, tính tới việc giảm phí thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bảo đảm theo cơ chế thị trường nhưng phải so sánh, tính toán việc ảnh hưởng tới sản xuất, lạm phát.

"Chính phủ đã thực hiện một loạt các giải pháp như sử dụng Quỹ Bình ổn giá, thứ hai là giảm phí và có Nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền rà soát giảm thuế phù hợp. Cũng có thể giá còn tiếp tục tăng nên phải tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ các đối tượng, để đảm bảo sao cho sản xuất ổn định, giá thành ổn định. Ví dụ nếu để giá xăng dầu tăng thì các công trường cũng sẽ bị chậm lại, công trình không thể nhanh được và phải bù giá. Tinh thần vừa điều hành trong cơ chế thị trường nhưng vừa phải đảm bảo ổn định được kinh tế vĩ mô và ổn định đời sống dân sinh", Phó Thủ tướng nói.

Nói về giải pháp trong lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, ông đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí, và theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là "dứt khoát phải làm chủ xăng dầu và sản xuất trong nước".

Phó Thủ tướng nêu, theo quy hoạch phát triển, có nhà máy lọc hoá dầu 10 triệu tấn tại Vũng Tàu, Chính phủ đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí, làm sao trong 10 tháng xong thủ tục đầu tư.

"Nếu có thêm 10 triệu tấn của nhà máy này, cộng với 13 triệu tấn đang có thì trong nước có 23 triệu", ông Thành nói, đồng thời cho rằng phải tăng cường khoan dầu, khai thác dầu thô. "Hiện mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ cho sản xuất xăng dầu. Vẫn còn một số bất cập. Vừa qua, tôi làm việc với Tập đoàn Dầu khí, sẽ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách để khoan được dầu để phục vụ sản xuất chứ không xuất khẩu nữa", Phó Thủ tướng nêu thêm.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.