Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn về xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng nay, 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề cung ứng, điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhóm vấn đề chất vấn trong buổi sáng thuộc lĩnh vực công thương. Nội dung chất vấn tập trung về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

Cùng với đó là việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, NN&PTNT, GTVT, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tại cuộc làm việc với đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để rà soát công tác chuẩn bị tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khoá XV chiều 15/3, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, vấn đề cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép. Cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu). Báo cáo của Bộ Công thương đã giải trình các vấn đề này nhưng qua chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn.

Trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn ngày 16/3, Bộ Công Thương cho biết, ở trong nước, từ đầu tháng 1 và tháng 2/2022, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất. Vì vậy, không bảo đảm việc cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo các hợp đồng đã ký đã ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.

Cùng với đó, trên thị trường thế giới các vấn đề địa chính trị, dịch bệnh thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường, trong khi nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước áp dụng các biện pháp phục hồi kinh tế dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu trong việc cạnh tranh để tiếp cận nguồn cung trên thế giới với giá hợp lý để nhập khẩu bù đắp nguồn thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của Nhà máy.

Vì vậy, ngày 22/02/2022, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu Quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng), khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

"Kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu", báo cáo nêu.

Cụ thể, ngày 3/3/2022, Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến đối với dự án Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Bộ Công Thương đã có văn bản phối hợp cung cấp các thông tin về tình hình thị trường xăng dầu và có ý kiến đồng thuận đối với chủ trương giảm thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, với mức tăng giá của các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới những ngày vừa qua, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức ít nhất 50% mức thuế hiện hành (tương đương giảm 1.900 đồng/lít đối với xăng E5RON92, 2000 đồng/lít đối với xăng RON95, 500 đồng/lít đối với dầu hỏa, 1.000 đồng/lít đối với dầu DO và dầu FO). Đồng thời, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xăng ở mức phù hợp để hỗ trợ giảm giá xăng dầu.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.