Bình ổn giá xăng: Không nên chỉ từ thuế môi trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần xem xét tổng thể các yếu tố cấu thành để có thể giảm giá xăng dầu, chứ không phải chỉ hướng tới đề xuất giảm thuế môi trường.

Hôm nay (16/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn hai nhóm vấn đề liên quan lĩnh vực của Bộ Công Thương và Bộ TN&MT, trong đó có những vấn đề rất nóng là cung ứng, quản lý, điều hành giá xăng dầu; vấn đề “thổi giá” trong đấu giá đất, bỏ cọc… Theo đánh giá của ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phiên chất vấn kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân.

Thưa ông, hiện nay đang có đề xuất giảm thuế môi trường trong cơ cấu giá để giảm giá xăng, dầu. Nhiều chuyên gia đồng tình với đề xuất này, nhưng cũng nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ mang lại nhiều hệ lụy. Theo ông, cần làm gì để điều chỉnh giá xăng dầu, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân?

Bình ổn giá xăng: Không nên chỉ từ thuế môi trường ảnh 1

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm. Ảnh: PV

Theo tôi, mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn, bối cảnh hiện nay phải giữ được ổn định vĩ mô để giữ được các thành quả của tăng trưởng. Giá xăng dầu biến động lớn sẽ tác động đến lạm phát, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Phải giữ được giá xăng dầu làm sao để lạm phát không vượt ra khỏi tầm kiểm soát, đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra trong giới hạn 4%. Vì thế, cơ quan quản lý, điều hành phải bằng mọi biện pháp bình ổn giá xăng dầu, để dù có biến động nhưng không tác động quá lớn làm chỉ số lạm phát vượt ra khỏi khung. Trong cơ cấu thành giá xăng dầu có nhiều yếu tố, trong đó có thuế môi trường. Nó cũng là một phương án được tính toán, xem xét để bình ổn, hạ giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi ở Ủy ban Tài chính-Ngân sách, việc xem xét phải tổng thể các yếu tố khác chứ không phải chỉ thuế môi trường.

Về tác động từ tình trạng hoạt động của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn với tình hình cung ứng xăng dầu thời gian vừa qua, ông Lâm cho rằng, “…Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán, dự phòng các yếu tố để đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong bất kỳ tình huống nào, không phụ thuộc vào một nhà máy như Nghi Sơn hay bất cứ yếu tố nào khác”, ông Lâm nêu.

Thứ hai, thuế môi trường là công cụ nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo nguồn kinh phí để xử lý các vấn đề môi trường cũng như thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, thân thiện. Việc sử dụng công cụ thuế môi trường để điều tiết giá xăng dầu nếu cần thiết vẫn sẽ sử dụng, nhưng ưu tiên các giải pháp, các yếu tố cấu thành khác trước. Tất nhiên, hiện nay giá xăng dầu tăng cao quá, các yếu tố khác không thể gánh hết được thì cũng phải tính toán đến việc giảm thuế môi trường, nhưng nó không phải là ưu tiên số 1, không phải là cái đũa thần kỳ. Quan điểm là Ủy ban Tài chính-Ngân sách sẽ nghiên cứu, phối hợp cùng cơ quan chức năng tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định vấn đề này kịp thời, cùng các chính sách khác để ổn định lạm phát, ổn định thị trường.

Bình ổn giá xăng: Không nên chỉ từ thuế môi trường ảnh 2

Người dân mua xăng dầu trước thời điểm tăng giá kỷ lục hôm 11/3. Ảnh: Trọng Tài

Cũng phải nói rõ, chúng ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, giá xăng dầu thế giới biến động thì giá trong nước cũng phải biến động theo xu hướng đó. Chúng ta không thể “một mình một chợ”, dùng mọi biện pháp để áp giá thấp hơn thị trường thế giới, vì như thế sẽ mang lại rất nhiều hệ lụy. Thứ nhất nguy cơ xăng dầu của chúng ta chảy ra nước ngoài. Chống buôn lậu cực kỳ tốn kém, vất vả. Thứ hai, vấn đề môi trường của chúng ta lại không được coi trọng, đi ngược lại quan điểm của Đảng và Nhà nước xác định “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng”. Nghĩa là, trong ngắn hạn, trong bối cảnh cụ thể có thể điều chỉnh, nhưng trong lâu dài vẫn phải đảm bảo các yếu tố, hiệu quả của công cụ thuế môi trường trong vấn đề điều tiết, bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng bền vững, thực hiện các thỏa thuận COP26 đã cam kết. Không thể vì giai đoạn này mà xem nhẹ các vấn đề về môi trường.

Một vấn đề nữa, nếu chúng ta “một mình một chợ” áp thuế thấp hơn thì có thể ảnh hưởng đến hàng hoá xuất khẩu. Trong giai đoạn hiện nay đã có nơi này, nơi kia kiện chống bán phá giá, tăng thuế chống bán phá giá trong quan hệ thương mại. Vì vậy, phải tính toán toàn diện chứ không phải chỉ xem xét một yếu tố. Trước mắt, trong ngắn hạn thì cần giữ được, kiểm soát lạm phát trong khung mà Quốc hội đã cho phép. Đó là mục tiêu đầu tiên, sau đó chúng ta sẽ tính toán các mục tiêu khác một cách hài hoà. Thuế môi trường chỉ là một yếu tố được tính toán đến để điều tiết vĩ mô chứ không phải là duy nhất.

Phiên chất vấn sẽ đề cập tình trạng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi. Theo ông, các đại biểu cần làm rõ những nội dung gì?

Liên quan vấn đề đấu giá đất, vừa qua có tình trạng “kích giá”, tạo sóng thị trường, là hệ quả của việc quản lý vĩ mô chưa đạt được mục tiêu. Đây là những chiêu trò thao túng, thổi giá, tạo sóng, gây bong bóng thị trường, mang lại những hệ lụy rất lớn. Cụ thể, đất đai được đưa ra thị trường nhiều nhưng không đến được người có nhu cầu sử dụng thực sự, để hoang hoá, lãng phí, làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư do chi phí mặt bằng cao. Thứ hai, nguồn lực của người dân đổ vào đầu cơ đất đai thay vì đóng góp vào đầu tư cho tăng trưởng. Rõ ràng nó mang lại rất nhiều hệ lụy với nền kinh tế.

Vấn đề ở đây là chúng ta chưa vận dụng cơ chế thị trường để xây dựng “thị trường đất đai” thực sự hiệu quả. Rõ ràng mong muốn là thị trường phải phân bổ được nguồn lực, đưa đến nơi sử dụng hiệu quả nhất, nhưng dường như thị trường này đang phát triển bất thường do yếu tố quản lý. Thành ra đất đai trôi nổi, lòng vòng, trở thành một kênh đầu tư sinh lời và không đến được những nơi phát huy được giá trị sử dụng. Vấn đề có lẽ nằm ở yếu tố quản lý vĩ mô, yếu tố chính sách, quản lý chưa định hướng, dẫn dắt được, để biến tướng thành yếu tố đầu cơ.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG