Khóc cười với xăng dầu

Khóc cười với xăng dầu
TP - Tháng 5, tiết trời như oi nồng hơn  khi chỉ trong 15 ngày, giá xăng 2 lần điều chỉnh tăng với mức cả thảy thêm 3.150 đồng/lít. Còn kể từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng 3 lần, mức tăng tổng là 4.800 đồng/lít.

Vẫn như  thường khi, ăn theo giá xăng tăng, là hiệu ứng tăng giá hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ vận tải... Từ con cá, lá rau ở chợ, tới cuốc xe ôm, taxi trên đường cho tới các mặt hàng trong siêu thị cùng đồng hành tăng giá 5-10%. Doanh nghiệp thì than thở, tăng giá xăng sẽ ngốn thêm tiền tỷ chi tiêu cho sản xuất, trả lương nhân viên và không biết lấy đâu bù đắp;  người lao động lại “kêu trời” bởi phải móc hầu bao trả thêm một khoản phụ phí vốn không có trong toan tính chi tiêu hằng tháng. Cùng ăn theo giá xăng, một nỗi lo thường trực lập tức “đè” lên vai Chính phủ trong điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, ấy là áp lực làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát. Từ đó lại kéo theo nỗi lo về tỷ giá, lãi suất, nợ công…

Đã gần 10 năm nay, quan điểm điều hành giá xăng dầu luôn là sự chia sẻ lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, người dân, và doanh nghiệp. Bây giờ, khi vận hành theo nền kinh tế thị trường với chu kỳ 15 ngày tăng giảm, quan điểm này vẫn luôn được Liên bộ Tài chính - Công Thương nhắc đi nhắc lại. Nhưng trước điệp khúc “giảm ít, tăng nhiều”  và cú sốc điều chỉnh bất ngờ ngày 20/5 vừa qua trong khi giá xăng dầu thế giới đang giảm, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sự “hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân” như lý giải. Khó hiểu hơn Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) lúc nào cũng than lỗ lại vừa đạt lợi nhuận quý 1/2015 lên tới 461 tỉ đồng, tăng mạnh so với lãi  quý 1/2014 (chỉ khoảng 255 tỉ).

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn có lần chia sẻ, giá xăng dầu giảm ngẫm chung sẽ đem lại lợi ích cho toàn nền kinh tế, từ giá giảm, chi phí vận tải giảm, chi phí sản xuất cũng giảm, người tiêu dùng được mua hàng giá rẻ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa... Bởi theo ông, trên thực tế, chi phí xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế khi chiếm tới 40% - 50% chi phí sản xuất, 10-15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa. Còn từ góc độ người dân, doanh nghiệp cũng chẳng ai muốn bài ca tăng giá cứ mãi cất lên.

Kết, xin mượn lời một bạn đọc: “Ước gì nhà nước công khai cách tính giá xăng dầu cho mọi người dân cập nhật giá xăng dầu thế giới như dự báo thời tiết, lúc đó mọi chuyện sẽ minh bạch, rõ ràng”.

MỚI - NÓNG