Kiến nghị Quốc hội giám sát chuyên đề về giá xăng dầu

Giá xăng tăng lần thứ 3 từ đầu năm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Giá xăng tăng lần thứ 3 từ đầu năm. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Tôi nghĩ rằng, Quốc hội (QH) nên giám sát chuyên đề về giá xăng dầu. Bởi lẽ, đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hằng ngày và được nhân dân rất quan tâm”, Đại biểu (ĐB) QH Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu TPHCM) nêu quan điểm khi trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp QH ngày 21/5.

Thời điểm điều chỉnh giá không phù hợp

Cho rằng giá xăng trong nước phải có sự điều chỉnh, tuy nhiên ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng chỉ ra nghịch lý, khi giá xăng dầu thế giới đang biến động khó lường. Theo đó, ngay trong ngày 20 - 21/5, giá xăng dầu thế giới đã giảm, nhưng Việt Nam lại điều chỉnh tăng.

“Tôi nghĩ rằng, QH nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu. Bởi lẽ, đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hằng ngày và được nhân dân rất quan tâm”, ĐB Ngân nêu quan điểm. Ông Ngân đề nghị nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, vì thế giới điều chỉnh từng ngày, còn Việt Nam lại kéo dài tới 15 ngày. Việc điều chỉnh liên tục cũng góp phần tạo ra thói quen cho người dân về sự lên, xuống của giá xăng. “Chỉ có như thế mới không tạo ra những cú sốc về giá. Vấn đề là làm sao giám sát được hiệu ứng đô-mi-nô từ giá xăng dầu đến giá cả khác” - ông Ngân nói.

ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, Việt Nam đã theo cơ chế thị trường, đương nhiên giá xăng tăng là theo thị trường. “Giá xăng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân. Tôi đề nghị công khai giá xăng từ giá nhập, giá lỗ, lãi cũng như việc tăng nhanh, giảm chậm. Theo tôi, QH nên có giám sát chặt chẽ giá xăng dầu”, Đại biểu Bùi Thị An nói.

Không tăng lợi nhuận bằng cơ chế giá

Trả lời câu hỏi về việc giá xăng tăng 1.200 đồng/lít cùng thời điểm Petrolimex công bố lợi nhuận quý I/2015 đến 461 tỷ đồng, ông Bùi Đức Thụ cho biết, các bộ chuyên ngành quản lý phải có trách nhiệm trả lời và giải trình những vấn đề mà xã hội và dư luận đặt ra. Từ con số lợi nhuận 461 tỷ đồng Petrolimex vừa công bố, theo ông Thụ, cần phải làm rõ nguyên nhân tăng lợi nhuận của doanh nghiệp này. “Các ngành hàng do nhà nước quản lý thì cố gắng không nên để lợi nhuận tăng bằng cơ chế giá. Nhà nước ủng hộ việc tăng lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng lợi nhuận đó phải do tiết giảm chi phí, cải tiến quản lý và đổi mới công nghệ chứ không phải từ việc tăng giá” - ông Thụ cho hay.

Liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá trong khi doanh nghiệp lợi nhuận lớn có phải là một nghịch lý, ông Thụ cho biết, việc điều chỉnh giá đã có quy định cụ thể, khi giá xăng dầu biến động lớn, điều đầu tiên là phải sử dụng quỹ bình ổn giá, nếu sử dụng quỹ không đủ, nhà nước phải điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu. “Việc điều chỉnh giá xăng dầu được cơ quan liên bộ đưa ra trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Khi thẩm định đúng mới cho phép điều chỉnh giá. Mặt khác, việc tăng giá cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp, cũng được đưa vào kiểm toán nhà nước hàng năm. Giá xăng dầu tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào giá thế giới, quỹ bình ổn trong nước và mức thuế nhập khẩu của chúng ta. Liên bộ Tài chính - Công Thương phải rà soát điều này”, ông Thụ nói.

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, khi đã bước vào hội nhập thì cách tính giá phải đảm bảo theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, theo ông Kiêm, khi cùng lúc tăng cả xăng, điện, tỷ giá sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động và khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Đặc biệt việc điều chỉnh này có thể đẩy giá thành sản phẩm tăng lên nhanh, sẽ làm hạn chế việc tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Trước thông tin Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh thuế của xăng, dầu sát hơn với thị trường, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, phía Chính phủ cần phải điều hành linh hoạt để việc điều chỉnh giá có hiệu quả hơn.

Mặt bằng giá mới chuẩn bị thiết lập

 “Việc tăng giá xăng liên tiếp kiểu gì cũng kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, vấn đề là thời gian. Khả năng cuối tháng này, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá mạnh”, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng GĐ Cty CP Nhất Nam (chủ hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết. Đại diện một số siêu thị cũng cho biết, việc tăng giá các mặt hàng tiêu dùng trong thời gian tới khó tránh khỏi.

Đại diện siêu thị Co.opmart chia sẻ: “Cơ quan quản lý nên có kế hoạch điều chỉnh giá xăng tăng bao nhiêu trong 1 năm để doanh nghiệp biết tính toán. “Đùng một cái giá xăng tăng khiến chúng tôi chạy theo không kịp. Doanh nghiệp đang rất khó khăn, các mặt hàng tăng, mình không tăng không được trong khi đang phải cố gắng kìm giá để giữ chân khách hàng”, vị này nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại: “Việc tăng giá xăng sẽ tác động dây chuyền sang các mặt hàng tiêu dùng khác. Mặt bằng giá mới chắc chắn sẽ được thiết lập trong thời gian tới. Tuy nhiên, những mặt hàng đề nghị tăng giá, siêu thị cần phải đàm phán, phân tích kỹ giá thành từ việc giá xăng tăng bao nhiêu là hợp lý. Mặt khác, siêu thị phải tìm nhà cung ứng mới để có sự cạnh tranh. “Cần cảnh giác với các nhà cung ứng, có thể giá không tăng, nhưng họ “ăn bớt” về trọng lượng, mẫu mã”.          

Ngọc Mai

MỚI - NÓNG