Khoảng trống khó ra rạp của phim nhà nước đặt hàng

TPO - Nhà nước chỉ đầu tư sản xuất được 3 phim truyện/ năm. Những bộ phim này thường rơi vào tình trạng sản xuất xong để đấy mà không thể phát hành, phổ biến rộng rãi. Nguyên nhân được chỉ ra là khoảng trống trong cơ chế sản xuất và phát hành phim sử dụng kinh phí, ngân sách nhà nước.

Khó cạnh tranh

Nhà nước đều dành kinh phí thường niên đặt hàng các hãng phim lớn sản xuất các bộ phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phim chiến tranh lịch sử. Nhiều bộ phim nhà nước đặt hàng như Bình minh đỏ, Phơi sáng, Hồng Hà nữ sĩ… dù được giới chuyên môn ghi nhận về chất lượng nhưng không được nhiều khán giả biết đến.

Sau khi hoàn thành sản xuất các bộ phim này thường chỉ được "cất kho", chỉ chiếu vào những dịp kỷ niệm quan trọng hoặc các kỳ liên hoan phim hoặc chiếu miễn phí phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Bấy lâu nay, câu chuyện phim đặt hàng không thể cạnh tranh với phim thị trường luôn là bài toán khó, khiến nhiều nhà sản xuất đau đầu. Việc một bộ phim nhà nước có thể cạnh tranh doanh thu với các phim thị trường là một vấn đề lớn cần được quan tâm từ nhiều phía.

Khoảng trống khó ra rạp của phim nhà nước đặt hàng ảnh 1

Đào, phở và piano trở thành hiện tượng hiếm khi là phim do nhà nước đặt hàng lại được săn đón ở các phòng vé.

Bộ phim Đào, phở và piano gây sốt khi ra rạp khi liên tục cháy vé. Nhiều khán giả không thể săn được vé xem phim. Đến ngày 23/2, doanh thu phim đạt hơn 1,1 tỷ đồng và duy trì hơn 20 suất chiếu/ ngày tại Trung tâm chiếu phim quốc gia, đồng thời được chiếu ở một số cụm rạp khác.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thấy rõ việc các rạp tư nhân thờ ơ với phim nhà nước.

Nguyên nhân dễ thấy là tư nhân làm gì cũng trên nguyên tắc phải có lợi nhuận, mà phần lớn phim nhà nước đặt hàng hay tài trợ lại không đảm bảo mục tiêu này.

Bên cạnh đó, dòng phim này chỉ được cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành. Khi chiếu trên toàn quốc cần thêm quy định về tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành. Điểm khó này từng được ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đề cập khi được hỏi về quy trình phổ biến phim Đào, phở và piano trên toàn quốc.

Khoảng trống khó ra rạp của phim nhà nước đặt hàng ảnh 2Khoảng trống khó ra rạp của phim nhà nước đặt hàng ảnh 3

Đào, phở và piano gây ấn tượng khi khai thác hình ảnh những con người Hà Nội trong thời khói lửa.

Đạo diễn, nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng việc các phim nhà nước đặt hàng, mất nhiều công sức để sản xuất xong lại cất đi hoàn toàn do vướng mắc cơ chế.

“Tôi cảm thấy kỳ quái khi có người sản xuất ra một sản phẩm gì đó bằng rất nhiều tiền, công sức mà lại không đem ra khai thác kinh doanh để ít nhất thu hồi vốn đầu tư. Nhưng phim nhà nước chính là như thế”, ông Nguyễn Hữu Tuấn nêu.

Vướng mắc chồng vướng mắc

Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định một bộ phim nhà nước được đem cất kho hoàn toàn không liên quan đến chất lượng bộ phim mà chủ yếu do vướng mắc cơ chế.

Ông lý giải nguyên nhân việc này tồn tại là cơ chế phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điều 14 Luật Điện ảnh quy định việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước nêu rõ việc sản xuất phim để phục vụ nhiệm vụ chính trị được thực hiện bằng hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Chủ đầu tư dự án là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan T.Ư của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và UBND cấp tỉnh. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quy trình lựa chọn dự án sản xuất phim, thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản, Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim theo quy định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL…

“Điều rắc rối đầu tiên là vấn đề sử dụng vốn ngân sách và tài sản nhà nước thì phải đúng mục đích. Tuy nhiên, vấn đề thật sự ở đây là khoản thu. Nếu phim nhà nước đặt hàng kiếm được hàng trăm tỷ đồng doanh thu, e rằng phức tạp về thủ tục giấy tờ.

Bởi Cục Điện ảnh và Bộ VHTTDL là cơ quan hành chính nhà nước, không phải là doanh nghiệp, không thể xuất hóa đơn đỏ, và về bản chất là không thể có doanh thu”, ông Nguyễn Hữu Tuấn phân tích.

Bàn về câu chuyện này, lãnh đạo Cục Điện ảnh giải thích: “Hiện nay nhà nước chỉ đầu tư sản xuất được 3 phim truyện/ năm. Trong số 40 phim truyện sản xuất năm 2023, chỉ có 3 phim nhà nước đặt hàng, còn lại 37 phim do các đơn vị tư nhân sản xuất.

Tuy nhiên, phim nhà nước đặt hàng đang được xếp là dịch vụ công thiết yếu, sử dụng 100% kinh phí nhà nước. Quy định này gây khó cho việc sản xuất các dự án phim truyện kết hợp công - tư”, Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu.

Khoảng trống khó ra rạp của phim nhà nước đặt hàng ảnh 4

Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh có sự đầu tư một phần của nhà nước chạm mốc doanh thu 78 tỷ đồng.

Theo người đứng đầu Cục Điện ảnh bất cập này khiến một số kịch bản phim, dù được Cục Điện ảnh đánh giá cao và mong muốn đầu tư sản xuất, nhưng không áp dụng được phương pháp kết hợp, vì vậy không thể triển khai.

Lâu nay Cục Điện ảnh vẫn đưa các tác phẩm phim đặt hàng vào chiếu trong các tuần phim, đợt phim kỷ niệm trong và ngoài nước, hoặc gửi về các tỉnh, thành để phát hành, phổ biến. Tuy nhiên, việc phát hành, phổ biến tại hệ thống rạp chiếu nhằm phục vụ đông đảo khán giả, tạo doanh thu đóng góp cho công nghiệp điện ảnh vẫn đang là khoảng trống.

Trong thông báo mới nhất, Bộ VHTTDL khẳng định khuyến khích các cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến phim Đào, phở và piano cũng như những phim nhà nước đặt hàng, phim Việt Nam nói chung.

Khoảng trống khó ra rạp của phim nhà nước đặt hàng ảnh 5

Bộ VHTTDL khẳng định khuyến khích các cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến phim Đào, phở và piano cũng như những phim nhà nước đặt hàng, phim Việt Nam nói chung.

"Trên cơ sở các quy định hiện hành và yêu cầu từ thực tiễn, Bộ VHTTDL đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phổ biến phim do nhà nước đặt hàng”, Văn phòng Bộ VHTTDL thông tin.

Đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL cho biết lãnh đạo Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Cục Điện ảnh làm việc với một số đơn vị phát hành, phổ biến phim để khuyến khích phổ biến phim Việt Nam sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước đến rộng rãi khán giả nhằm phát huy hiệu quả, qua đó quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Thoát khỏi bệnh khô cứng của phim tuyên truyền

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng từ góc nhìn của hệ thống quản lý nhà nước, muốn phim đặt hàng đến được với công chúng ngoài quy định về số phần trăm suất chiếu cho phim nội địa, các phim nhà nước trước hết phải hay.

"Muốn có phim hay, quy trình xét duyệt và vận động sáng tác phải khác đi. Các cuộc vận động sáng tác phải mở rộng hơn, có chiều sâu hơn... đồng thời việc xét duyệt phải khắt khe hơn từ khâu kịch bản đến xét duyệt nguồn kinh phí sản xuất và năng lực quản trị dự án", biên kịch Trịnh Thanh Nhã nêu.

Khoảng trống khó ra rạp của phim nhà nước đặt hàng ảnh 6

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng kịch bản các dự án phim lịch sử cần được tung tẩy hơn, khoáng hoạt hơn, thoát khỏi "vòng kim cô" của nhiệm vụ tuyên truyền khô cứng.

Nếu phim không hay thì không thể "ép rạp" duy trì suất chiếu. Xa hơn là tính đến là cơ chế liên danh sản xuất và phát hành trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

"Không có cơ chế minh bạch, không nhà sản xuất hay phát hành tư nhân nào muốn bắt tay hợp tác làm phim nhà nước", biên kịch Trịnh Thanh Nhã đề xuất.

Với dòng phim lịch sử, nữ biên kịch cho biết cần có góc nhìn cởi mở hơn trong khâu duyệt kịch bản để các dự án phim lịch sử được tung tẩy hơn, khoáng hoạt hơn, thoát khỏi "vòng kim cô" của nhiệm vụ tuyên truyền khô cứng và áp lực kinh phí sản xuất bèo bọt. Bởi phim không hay dù mang giá trị giáo dục, tuyên truyền cũng đều vô nghĩa.

Tin liên quan