Sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu kín với các mức độ tín nhiệm cho 44 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cá nhân bà cùng các đại biểu tìm hiểu, nhận xét qua các kênh nào để có thể đưa ra mức độ đánh giá tín nhiệm một cách công tâm, khách quan nhất?
- Có thể nói, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp này là hoạt động rất có sức nặng. Bản thân tôi được nhận lá phiếu trong tay và bỏ phiếu, trách nhiệm rất nặng nề.
Đây không chỉ là việc thực hiện quyền giám sát và đánh giá của mình với từng chức danh do Quốc hội bầu, hoặc phê chuẩn, mà tôi hiểu rằng, trong quá trình bỏ phiếu tín nhiệm cho 44 chức danh này, thì đông đảo cử tri và nhân dân cũng giám sát, và đánh giá lại hoạt động của đại biểu qua việc lấy phiếu tín nhiệm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. |
Bản thân tôi cũng như các đại biểu Quốc hội phải tìm hiểu thật kỹ, thực sự công tâm, khách quan trong khi đưa ra mức độ tín nhiệm cho mỗi người được lấy phiếu. Do vậy, trước khi tiến hành quy trình này, chúng tôi phải xem xét, đánh giá hoạt động của các chức danh trong diện được lấy phiếu từ đầu nhiệm kỳ đến nay; cùng với đó là xem xét, đánh giá các báo cáo gửi đến cho các đại biểu để làm căn cứ trước khi bỏ phiếu mức độ tín nhiệm.
Cá nhân bà nhìn nhận ra sao về những trường hợp có tỷ lệ tín nhiệm cao, hoặc tín nhiệm thấp nhiều trong lần này?
- Như chúng ta biết, có ba mức độ tín nhiệm, là: Tín nhiệm cao - Tín nhiệm - Tín nhiệm thấp. Chắc chắn sẽ có những người có nhiều tín nhiệm cao và nhiều tín nhiệm thấp. Đây là việc rất bình thường, bởi vì đây là nhiệm kỳ tương đối đặc biệt, với rất nhiều yếu tố biến động rất khó lường cả ở trong nước và trên thế giới.
Tuy nhiên, với những người nhận được nhiều “tín nhiệm thấp”, chắc chắn cũng phải xem xét quá trình thực thi nhiệm vụ như thế nào.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm sáng 25/10. Ảnh: Như Ý. |
Sự công tâm, khách quan trong từng khối, từng ngành có được đại biểu lưu tâm khi đánh giá mức độ tín nhiệm không, thưa bà?
- Với mỗi vị trí, chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn đều có những yêu cầu khác nhau về công việc, không thể giống nhau được. Ví dụ ở khối Chính phủ, có những bộ, ngành luôn trở thành điểm nóng, được toàn dân quan tâm, nhưng có những bộ ngành mang tính chuyên môn, học thuật cao, nên sự quan tâm của nhân dân và cử tri cũng không được nhiều như thế.
Có những lĩnh vực, ngành động chạm đến toàn xã hội. Ví dụ như lĩnh vực văn hóa, giáo dục chẳng hạn, bất kỳ người dân nào cũng đều quan tâm, trong khi những lĩnh vực chuyên sâu, không phải ai cũng am hiểu.
Chính vì điều đó mà đòi hỏi sự nhìn nhận, đánh giá một cách công tâm khách quan nhất, công bằng nhất cho mỗi vị trí được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong từng khối, từng ngành.
Cá nhân bà kỳ vọng gì vào sự chuyển động sau khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm và công bố rộng rãi kết quả để cử tri và nhân dân giám sát?
- Việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm rất quan trọng, chúng ta không phải đánh giá chỉ để đánh giá, mà quan trọng sau đánh giá tín nhiệm đó là cái gì.
Việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm trước tiên là để đánh giá tín nhiệm với từng chức danh. Bên cạnh đó, kết quả tín nhiệm còn là cơ sở quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm…
Điều này khiến cho người có kết quả lấy phiếu “tín nhiệm thấp” cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại việc thực thi công vụ của mình, và sẽ có những những nỗ lực, phấn đấu, “tự soi, tự sửa”, để làm sao hoàn thiện hơn nữa việc thực thi công vụ, khắc phục được những tồn tại, yếu kém.
Cảm ơn bà!