Vì sao lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh lý giải, việc đánh giá công tác cán bộ căn cứ vào cả quá trình công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nên việc lấy phiếu tín nhiệm từ đầu kỳ họp là “rất bình thường”.

Chiều 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Một trong những nội dung quan trọng, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây cũng là vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội, đến nay cơ quan Quốc hội đã nhận được tất cả các báo cáo của những người trong diện được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo quy định, các báo cáo này được gửi trước 20 ngày và đến nay đã được gửi đầy đủ để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, cho ý kiến.

Vì sao lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV? ảnh 1

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh. Ảnh: Như Ý

“Đến thời điểm hiện tại, người được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo kiểm điểm công tác đến Quốc hội, trong đó có nội dung về trách nhiệm nêu gương của vợ con. Qua hai kênh là từ phía đại biểu Quốc hội và từ phía MTTQ, đến nay chúng tôi chưa nhận phản ánh gì về người được lấy phiếu tín nhiệm", Phó Ban công tác đại biểu nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có phát sinh sẽ tổng hợp báo cáo đại biểu và Quốc hội.

Cũng theo Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, kết quả lấy phiếu sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết sẽ công bố chính thức thông tin để cử tri và nhân dân biết, theo dõi, giám sát.

Tại kỳ họp này, công tác lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn sẽ được thực hiện ngay từ đầu kỳ họp.

Về lý do lấy phiếu ngay đầu kỳ họp, ông Nguyễn Tuấn Anh lý giải, việc đánh giá công tác cán bộ căn cứ vào cả quá trình công tác từ đầu nhiệm kỳ, nên việc lấy phiếu tín nhiệm từ đầu kỳ họp là “rất bình thường”.

Về danh sách nhân sự trong diện được lấy phiếu, Nghị quyết số 96 của Quốc hội quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được nêu trên.

Trước đó, trả lời Báo Tiền Phong về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết: Tổng số các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định sẽ là 49 người. Tuy nhiên, đến nay qua rà soát các chức danh và điều kiện tiêu chuẩn cụ thể, dự kiến sẽ có 44 người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, có 5 trường hợp sẽ không phải lấy phiếu tín nhiệm lần này, bao gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 23/10/2023, dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 6 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 (15 ngày): từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2 (7 ngày): từ ngày 20 đến sáng ngày 28/11/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.