Công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội để nhân dân giám sát

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Bên cạnh việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp Quốc hội, Nghị quyết số 96 đã quy định việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên phương tiện thông tin đại chúng… Quy định này có tác dụng phát huy tính tích cực, hiệu quả trong hoạt động lấy phiếu tín nhiệm để cử tri, nhân dân cả nước cùng tham gia giám sát”, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.

Đánh giá mức độ tín nhiệm trong cả quá trình công tác

Tại kỳ họp thứ 6 tới đây, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể mới nhất, có bao nhiêu người được lấy phiếu và bao nhiêu người không lấy phiếu tín nhiệm lần này, thưa bà?

Theo quy định tại Nghị quyết số 96, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước.

Công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội để nhân dân giám sát ảnh 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước tại kỳ họp bất thường lần thứ 4, diễn ra vào đầu tháng 3/2023

Nghị quyết số 96 của Quốc hội cũng quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được nêu trên.

Theo đó, tổng số các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn theo quy định sẽ là 49 người. Tuy nhiên, đến nay qua rà soát các chức danh và điều kiện tiêu chuẩn cụ thể, dự kiến sẽ có 44 người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Dự kiến Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm ngay sau khi kỳ họp thứ 6 khai mạc. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên lấy phiếu tín nhiệm sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn để đại biểu có thêm góc nhìn, cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm. Bà thấy sao về quan điểm này?

Theo quan điểm cá nhân tôi, việc đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật và kết quả thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Những nội dung này cần được xem xét, nhìn nhận và đánh giá cả một quá trình công tác từ khi người được lấy phiếu tín nhiệm đảm nhận chức vụ cho đến khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Mặt khác, tại mỗi kỳ họp Quốc hội, thông thường chỉ có tối đa 4 lĩnh vực được lựa chọn để các đại biểu Quốc hội thực hiện chất vấn và thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, chứ không thể bao quát, toàn diện được hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm ngay sau phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không phải là yếu tố quan trọng để ảnh hưởng đến quyết định của người ghi phiếu.

Cơ sở để người được lấy phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện

Những người lấy phiếu tín nhiệm lần này cần đảm bảo về mặt thời gian trong cung cấp thông tin ra sao, để đại biểu Quốc hội làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm cho thực chất, khách quan?

Về vấn đề này, Nghị quyết 96 cũng đã quy định, những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này sẽ phải gửi báo cáo thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sẽ chính thức khai mạc vào ngày 23/10 sắp tới, như vậy đến thời điểm này về cơ bản những người trong danh sách dự kiến được lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn thành việc gửi báo cáo công tác và bản kê khai tài sản, thu nhập đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất trước 20 ngày khai mạc kỳ họp. Trong trường hợp có nội dung cần phải giải trình, chậm nhất là 3 ngày trước ngày tổ chức phiên họp lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm gửi báo cáo giải trình (nếu thấy cần thiết) đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội có yêu cầu.

Công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội để nhân dân giám sát ảnh 2

Việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm có tác dụng để nhân dân và cử tri giám sát ra sao?

Bên cạnh việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp Quốc hội, Nghị quyết số 96 đã quy định về việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm được thông qua để cử tri và nhân dân biết.

Quy định này có tác dụng phát huy tính tích cực, hiệu quả trong hoạt động lấy phiếu tín nhiệm nhằm để cử tri, nhân dân cả nước cùng tham gia giám sát hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, giám sát chất lượng thực thi nhiệm vụ, chức trách được giao… của các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Cá nhân bà kỳ vọng gì qua việc lấy phiếu tín nhiệm lần này?

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình trước đồng bào, cử tri cả nước mà các đại biểu Quốc hội là người đại diện. Qua đó làm cơ sở để chính người được lấy phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở, căn cứ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Kỳ vọng của cá nhân tôi đối với chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này cũng không nằm ngoài mục đích đó. Tôi mong muốn, qua việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần tạo động lực, đòn bẩy để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân của cả bộ máy công quyền cũng như từng vị trí cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.

Cảm ơn bà!

Có 5 trường hợp sẽ không phải lấy phiếu tín nhiệm lần này, bao gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023.

MỚI - NÓNG