Sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc 23/10, bế mạc 28/10). Nội dung về lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện lộ trình cải cách tiền lương nhận được nhiều sự quan tâm.

Lấy phiếu tín nhiệm ngay đầu kỳ họp

Trả lời câu hỏi liên quan việc lấy phiếu tín nhiệm, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo Nghị quyết 96, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nhận được đầy đủ báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các báo cáo được gửi trước 20 ngày, hiện đã gửi đến đại biểu để nghiên cứu, cho ý kiến. Tất cả kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. “Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Văn phòng Quốc hội sẽ thông tin chính thức cho báo chí để cử tri và người dân biết”, ông Tuấn Anh nói.

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo. Ảnh: Như Ý

Về lý do tổ chức lấy phiếu tín nhiệm ngay từ đầu kỳ họp, ông Tuấn Anh khẳng định, việc đánh giá công tác cán bộ dựa vào cả quá trình, từ đầu nhiệm kỳ cho tới nay, nên việc lấy phiếu từ đầu kỳ họp cũng là bình thường. Về danh sách, sẽ có 49 chức danh trong diện lấy phiếu lần này. Các chức danh không tiến hành lấy phiếu là những cán bộ đã có thông báo nghỉ hưu, hoặc những người được bầu, bổ nhiệm trong năm 2023. “Danh sách chính thức sẽ được UBTVQH trình Quốc hội phê chuẩn vào ngày 24/10”, ông cho hay.

Về vấn đề trách nhiệm nêu gương và sự gương mẫu của vợ con của những người được lấy phiếu tín nhiệm, ông Tuấn Anh cho biết, người trong diện lấy phiếu tín nhiệm đã gửi báo cáo, gồm báo cáo kiểm điểm đánh giá công tác và bảng kê khai tài sản. “Trong báo cáo kiểm điểm, đánh giá công tác đã có tiêu chí trách nhiệm nêu gương của vợ con. Đến thời điểm hiện tại, qua hai kênh đại biểu Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi chưa nhận được thông tin gì phản ánh về người được lấy phiếu tín nhiệm. Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có phát sinh sẽ tổng hợp báo cáo UBTVQH”, ông nói.

Về thẩm tra hồ sơ, ông Tuấn Anh cho biết, báo cáo được gửi ĐBQH trước 20 ngày theo quy định để nghiên cứu và nếu có phát sinh thì đại biểu Quốc hội sẽ có ý kiến để người được lấy phiếu tín nhiệm trả lời. “Quốc hội dự kiến dành 1,5 ngày làm công tác lấy phiếu, trong đó có phiên thảo luận tại đoàn để đại biểu tiếp tục thảo luận, góp ý kiến về người lấy phiếu, đánh giá công tác cũng như về kê khai tài sản”, ông thông tin.

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh. Có 5 trường hợp sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.

Nguồn cải cách tiền lương sẵn sàng

Tại họp báo, trả lời nội dung liên quan đến lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho biết, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa qua đã ban hành nghị quyết và giao Chính phủ trình Quốc hội tiến độ cải cách tiền lương. Theo kết luận Hội nghị Trung ương 8, lộ trình thực hiện sẽ từ 1/7/2024 với tinh thần, quan điểm thực hiện 6 nội dung Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương. Trong đó, sẽ xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ Trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang.

Thứ hai là sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay. Thứ ba là chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ 4 là chế độ nâng bậc lương. Thứ 5 là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương. Thứ 6 là quản lý tiền lương và thu nhập. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất trong 6 nội dung này là nguồn kinh phí để cải cách tiền lương.

“Chính phủ báo cáo Hội nghị Trung ương nguồn cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024 - 2026. Mặc dù vậy, sau 2024, tức từ năm 2025 vẫn thực hiện tăng có lộ trình 5-7% để làm sao đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực 1 của tư nhân”, ông Quý nói.

MỚI - NÓNG