Kết quả nghiên cứu: Biến thể Omicron gây bệnh nhẹ, vẫn bị vô hiệu hoá bởi vắc xin

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Omicron dễ lây lan hơn bất kỳ biến thể SARS-CoV-2 nào khác, nhưng dường như ít nguy cơ gây bệnh nặng hơn, một nghiên cứu của chính phủ Anh kết luận.

Theo báo cáo được công bố ngày 23/12, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết nguy cơ phải nhập viện điều trị ở những người nhiễm biến thể Omicron thấp hơn từ 50 đến 70% so với những người nhiễm biến thể Delta.

Trong một nghiên cứu riêng biệt tại Đại học Edinburg (Scotland), các nhà khoa học đã theo dõi gần 152.500 bệnh nhân COVID-19, bao gồm 22.205 người nhiễm biến thể Omicron. Một nửa số bệnh nhân nhiễm Omicron dưới 40 tuổi. Kết quả theo dõi cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nhiễm Omicron cần nhập viện điều trị thấp hơn 68% so với nhóm nhiễm biến thể Delta.

Con số này - theo một nghiên cứu ở Nam Phi - thậm chí có thể lên tới 80%. Nhưng từng đó vẫn chưa đủ để chứng minh Omicron là phiên bản virus giảm độc tính, vì các bệnh nhân COVID-19 ở Nam Phi có độ tuổi trung bình khá trẻ.

Tiến sĩ Jim McMenamin (Scotland) gọi đây là một tín hiệu tốt giữa cuộc khủng hoảng về biến thể Omicron. Ông cho biết những bí ẩn về biến thể Omicron đang dần sáng tỏ, nhưng quan trọng là mọi người không nên chủ quan. Biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chóng mặt, vượt qua Delta và trở thành biến thể trội ở Mỹ, Nam Phi… Tại Anh, sự xuất hiện của Omicron đã khiến số ca mắc mới COVID-19 lần đầu tiên vượt mốc 100.000 ca/ngày.

Giáo sư Mark Woolhouse (Đại học Edinburg) cho biết biến thể Omicron có thể giảm nguy cơ gây bệnh nặng, nhưng sự gia tăng đột biến số ca bệnh vẫn sẽ đặt gánh nặng lên hệ thống y tế.

Kỳ vọng vào vắc xin

Bên cạnh giả thuyết Omicron là phiên bản giảm độc tính, nhiều người khác cho rằng virus SARS-CoV-2 giờ đây khó có thể gây bệnh nặng vì khả năng miễn dịch của cộng đồng đã cao hơn nhiều so với thời điểm chưa có vắc xin.

Theo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Đại học Oxford, 3 mũi vắc xin Astra Zeneca sẽ tạo ra mức độ kháng thể trung hòa chống lại biến chủng Omicron cao tương đương mức độ trung hòa chống lại biến chủng Delta sau khi tiêm 2 mũi vắc xin.

Với vắc xin Pfizer/BioNTech, 2 mũi tiêm ban đầu vẫn có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh nặng. Còn liều thứ 3 sẽ giúp tăng mức độ bảo vệ đủ để vô hiệu hoá biến thể Omicron.

Tương tự, hãng dược Moderna cho biết mức độ kháng thể trung hoà chống lại Omicron sau 2 liều vắc xin khá thấp. Nhưng con số này sẽ tăng gấp 37 lần sau khi tiêm liều tăng cường 50 microgram, thậm chí tăng 80 lần nếu tiêm liều tăng cường 100 microgram.

Tiến sĩ Walter Orenstein - cựu giám đốc chương trình tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết những dữ liệu trên là tín hiệu lạc quan, vì nó cho thấy các loại vắc xin hiện tại vẫn phát huy hiệu quả chống lại Omicron. “Chúng ta có thể không phải thay đổi vắc xin. Chúng ta vẫn có thể vượt qua làn sóng Omicron với loại vắc xin hiện tại, ít nhất là để hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng”, Orenstein nói.

Kết quả nghiên cứu: Biến thể Omicron gây bệnh nhẹ, vẫn bị vô hiệu hoá bởi vắc xin ảnh 1
Người Mỹ đổ xô đi tiêm mũi vắc xin tăng cường trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Ảnh: Reuters

Cả 3 hãng dược nói trên đều đã bắt tay vào nghiên cứu loại vắc xin riêng để đối phó với biến thể Omicron, và sản phẩm có thể ra mắt sớm nhất vào đầu năm 2022.

Trong lúc chờ đợi, Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin gợi ý rằng các quốc gia có thể xem xét rút ngắn khoảng thời gian giữa liều thứ 2 và thứ 3 của vắc xin để chạy đua với biến thể Omicron. “Chúng tôi tin rằng đây là cách làm đúng đắn, đặc biệt là khi Omicron đang lan rộng”, Sahin nói.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG